Theo bác sĩ (BS) Trần Nguyên Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, trầm cảm sau sinh là một dạng rối loạn cảm xúc, sa sút tinh thần của phụ nữ sau khi sinh đẻ. Bắt đầu từ những thay đổi về ngoại hình, tâm sinh lý, thay đổi nồng độ hormone; chế độ sinh hoạt, giờ ngủ nghỉ, chế độ dinh dưỡng, vận động, hấp thu; rối loạn cảm xúc hoặc sang chấn tâm lý trong thai kỳ (mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn làm dâu con)…
"Đặc biệt là nhóm những người tiền sử có vấn đề về tâm lý, người có yếu tố di truyền gia đình với chứng trầm cảm, lo âu, những người có cấu trúc tâm lý yếu, những người ở lần sinh đầu có vấn đề trầm cảm thì lần sinh sau dễ mắc…", BS Ngọc cho biết.
"Cần lắm sự đồng hành, kiên trì"
Chị M.T.H chia sẻ sau sinh được vài ngày, chị bắt đầu mất ngủ, không muốn ăn, tâm trạng chán nản và trượt dài với những cảm xúc tiêu cực. Từ một người độc lập về kinh tế, chị H. chuẩn bị khá tốt cho lần sinh con đầu lòng. Tuy nhiên khi đứa trẻ sinh ra, chị thấy mình đuối sức vì chồng đi làm xa, không ở bên cạnh cùng chăm con, không nhận được sự chia sẻ. Tình trạng thức cùng con và con liên tục quấy khóc khiến chị mất ngủ và luôn căng thẳng, áp lực. "Tôi cảm thấy mình đơn độc, thấy đuối sức. Những ngày đầu thức chăm con khiến tôi mất ngủ, sức khỏe sa sút, tâm trạng chán nản, có suy nghĩ là mình không thể, không đủ sức để chăm con hay nuôi con được nữa...", chị H. tâm sự.
Một trường hợp khác triệu chứng nặng hơn là chị V.T.M.T (35 tuổi, ngụ Quảng Nam). Chị T. được gia đình đưa vào bệnh viện để hỗ trợ điều trị các rối loạn về giấc ngủ và cảm xúc. BS Nguyễn Cửu Thanh, Trưởng khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết: Khi vào viện, chị T. đã mất ngủ ngày thứ năm, kèm theo những dấu hiệu hoang tưởng, ảo giác, bất an, không chịu ăn uống vì luôn sợ người lạ đến gần hại mình… "Những ngày đầu, chúng tôi phải tiến hành bổ sung dinh dưỡng qua sonde, truyền nước, điều chỉnh các rối loạn về giấc ngủ bằng liệu pháp tâm lý, hóa trị liệu. Nhân viên y tế cũng rất khó tiếp xúc vì bệnh nhân (BN) sợ người lạ", BS Thanh cho biết.
Cũng theo BS Thanh, sau thời gian hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần cho BN mới có thể "khai quật" được những ẩn ức sâu thẳm khiến BN nhạy cảm và rối loạn, từ đó có hướng điều chỉnh và can thiệp. Đây là một người mẹ bị ám ảnh sinh con gái thứ ba, khi chồng là con trai một của dòng họ. Dù gia đình cho biết không đề cập gì vấn đề này đối với chị, nhưng chị T. "tự gây áp lực" cho mình, cảm giác có lỗi với nhà chồng, dẫn đến trầm cảm thể nặng sau sinh.
"Có lẽ trong quá trình mang thai BN cũng có những thương tổn nhất định gây ám ảnh, sang chấn tâm lý, dẫn đến việc khi sinh con ra lại chán ghét không muốn gần con, không muốn giao tiếp với ai. Đặc biệt nhất là chứng hoang tưởng bị hại. Những trường hợp này cần lắm sự đồng hành, kiên trì thời gian dài của gia đình mới có thể giúp người mẹ vượt qua được", BS Thanh chia sẻ.
Liệu pháp tâm lý kích hoạt hành vi tích cực
Theo BS Thanh, đối với các BN trầm cảm sau sinh, tức là xuất hiện những dấu hiệu sa sút về tâm trạng, rối loạn thể chất biểu hiện rõ nhất là mất ngủ, bỏ ăn, việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp BN dễ dàng vượt qua. "Bên cạnh hỗ trợ về liệu pháp tâm lý kích hoạt hành vi tích cực, khơi gợi cảm xúc tích cực, vui vẻ thì chúng tôi cũng dùng hóa trị liệu, tức là dùng các loại thuốc chống trầm cảm, bình thần để can thiệp. Đối với những BN nặng, có dấu hiệu loạn thần, hoang tưởng thì có thêm thuốc chống hoang tưởng, loạn thần".
Cũng theo BS Thanh, thường thì sau điều trị khoảng 20 ngày, BN ăn được, ngủ được sẽ khiến tinh thần phấn chấn lên. Dù cảm xúc vẫn còn chùng nhưng suy nghĩ tiêu cực không còn. Những trường hợp được gia đình quan tâm chia sẻ, giúp đỡ chăm con để có thời gian nghỉ ngơi, ăn ngủ tốt sẽ sớm thích nghi với cuộc sống sau sinh và giảm các rối loạn cảm xúc…
Lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt
Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống, sinh hoạt truyền thống ở VN dành cho phụ nữ sau sinh như ăn thức ăn kho mặn, quá nhiều đạm, ít rau củ, trái cây, ít uống nước (sợ lỏng bụng, sợ con đau bụng thông qua đường tiết sữa) khiến cơ thể rối loạn chuyển hóa, hấp thu, gan thận thải độc nhiều nên khó ngủ sâu.
Việc thiếu vận động ngoài trời, thiếu nắng, xông hơ bằng than và kiêng khem quá mức trong phòng kín cũng dẫn đến những nguy cơ ngộ độc, lơ mơ, sức khỏe tinh thần sa sút.
"Đây là những yếu tố góp phần thúc đẩy gia tăng các triệu chứng sa sút tinh thần, trầm cảm sau sinh, nhất là ở nhóm nguy cơ. Phụ nữ sau sinh cần được hỗ trợ cùng chăm sóc con để có giấc ngủ sâu, ngủ ngon. Cần đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là sinh tố từ rau củ, trái cây, giúp tăng hưng phấn của hệ thần kinh, giúp vui vẻ, suy nghĩ tích cực để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống cũng như sinh hoạt sau sinh, vượt qua chứng trầm cảm sau sinh", BS Thanh tư vấn thêm.
Theo tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh quốc tế về các rối loạn tâm thần và hành vi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm sau sinh là tình trạng kéo dài 6 tuần kể từ sau khi sinh. Theo BS Trần Nguyên Ngọc, nếu sau 6 tuần mà vẫn trầm cảm nghĩa là trầm cảm bệnh lý chứ không phải các rối loạn do sau sinh và lúc này cần có chế độ điều trị khác.
Biểu hiện của trầm cảm sau sinh dễ nhận thấy nhất là ngủ kém, mất ngủ, lơ là chuyện ăn uống. Tiếp theo là các yếu tố rối loạn cảm xúc, tâm trạng chùng xuống, có những suy nghĩ tiêu cực, nghĩ mình không có khả năng chăm sóc con, thấy mình yếu đuối bất lực và không thể nuôi con. Tiến đến là cảm thấy bản thân mình vô dụng, thấy mình là một người mẹ tồi tệ… dẫn đến hành vi nguy hiểm cho bản thân và người thân
|
Theo Thanh niên