Giáo sư Kate White ở Trung tâm Nghiên cứu Điều dưỡng Ung thư (Đại học Sydney, Úc) và nhà tâm lý học Carly Dober, Giám đốc Hiệp hội các nhà tâm lý học Úc, có những lời khuyên dành cho bạn trong tình huống này.
Giáo sư White cho biết: "Người được chẩn đoán ung thư thường mang trong mình ý thức nói về nó theo cách tích cực và muốn giảm nỗi đau khổ cho những người xung quanh. Làm thế nào để chia sẻ điều này với người thân có thể là điều khó khăn, đặc biệt là những người rất thân thiết như cha mẹ, vợ chồng, con cái.
Mỗi người đón nhận tin xấu đó theo một cách khác nhau nhưng một số người có thể thấy tốt hơn nếu không vội tiết lộ tình trạng bệnh của mình".
Trong tình huống này, theo Giáo sư White, bạn hãy tìm một không gian, nơi bạn có thể tĩnh tâm. Việc nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn quản lý những "khoảnh khắc ban đầu" đó tốt nhất.
Nhà tâm lý học Carly Dober giải thích: "Sau khi nhận được chẩn đoán ung thư, bạn có thể cảm thấy sốc, hoài nghi, tức giận, bối rối và lo lắng. Cảm giác sốc đó có thể kéo dài một thời gian và có thể khiến bạn cảm thấy hoàn toàn cô đơn, rất khó chấp nhận tình trạng bệnh của mình.
6 điều nên làm khi biết mình mắc ung thư
1. Nâng cao sự hiểu biết của mình về bệnh từ các nguồn thông tin tin cậy.
2. Chủ động tham gia vào quá trình điều trị.
3. Giữ vững niềm tin và phát huy sức mạnh nội lực của bản thân.
4. Chia sẻ với những người mà mình muốn.
5. Chủ động sống chung với bệnh.
6. Đề phòng bệnh tái phát.
|
Việc chia sẻ với một người quan trọng, chẳng hạn như cha mẹ, người bạn đời hoặc bạn thân, có ý nghĩa đặc biệt, vừa động viên, khích lệ tinh thần, vừa hỗ trợ việc đưa ra quyết định thông tin với những ai khác và bằng cách nào". Theo bà Dober, có người nói với người đầu tiên họ gặp, hoặc liên hệ với những người đã trải qua điều tương tự.
Cả hai chuyên gia đều nói rằng, việc chia sẻ với ai tùy thuộc vào bạn, không có đúng hay sai khi một người vừa nhận kết quả chấn động. Điều quan trọng là họ thấy mình được động viên, khích lệ, có một cái nhìn lạc quan về tình trạng của mình.
Và hãy cân nhắc xem bạn muốn gì khi chia sẻ thông tin này. Bà Dober khuyên, khi tiết lộ tình trạng bệnh của mình, hãy cân nhắc xem bạn có muốn điều gì đi kèm với nó không.
"Bạn có muốn những người này đến thăm bạn nhiều hơn không? Họ sẽ đi dạo với bạn, thỉnh thoảng gọi điện thoại cho bạn? Điều này rất quan trọng vì mọi người thường không biết cách hỗ trợ bạn như thế nào? Việc nói rõ điều đó có thể giúp tất cả chúng ta biết làm gì thì tốt hơn".
Giáo sư White cảnh báo rằng, khi nghe tin này của bạn, nhiều người có thể muốn trấn an và đưa ra lời khuyên. Vì vậy, bạn có thể đặt ra ranh giới rõ ràng về những điều bạn không muốn, chẳng hạn như "Tôi sẽ tạm ngắt mọi phương tiện liên lạc một thời gian, tôi sẽ liên lạc với bạn khi tôi sẵn sàng".
Theo bà Dober, có thể ở nơi làm việc của bạn đã từng xảy ra những trường hợp như thế này trước đây. Vì vậy, việc trò chuyện với đồng nghiệp mà bạn thấy đáng tin cậy, bộ phận nhân sự hoặc lãnh đạo của bạn có thể giúp bạn bình tâm hơn.
"Họ có thể hỗ trợ thảo luận về các lựa chọn của bạn, chẳng hạn như kế hoạch công việc, trình tự xin nghỉ làm… Với các đồng nghiệp khác, bạn có thể thông tin mình đang có việc riêng cần giải quyết, không ai cần biết nếu bạn không muốn chia sẻ.
Anh Chi