Đợt bùng phát cúm gia cầm hiện nay bắt đầu vào năm 2020 và đã dẫn đến cái chết của hàng chục triệu gia cầm. Ngoài ra, những loài chim hoang dã cũng như các động vật có vú trên bộ và dưới biển bị nhiễm bệnh, theo Reuters.

Trong tháng trước, bò và dê lần đầu tiên được ghi nhận mắc H5N1, khiến các chuyên gia ngạc nhiên vì hai loài này lâu nay được cho là không nhạy cảm với cúm gia cầm H5N1.

Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy virus cúm H5N1 lây lan từ người sang người

Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy virus cúm H5N1 lây lan từ người sang người

Reuters

 
"Tất nhiên, mối lo ngại lớn nhất là khi lây nhiễm cho vịt, gà và sau đó là các loài động vật có vú, loại virus đó hiện đã tiến hóa và phát triển khả năng lây nhiễm sang người và sau đó là khả năng truyền từ người sang người một cách nghiêm trọng", nhà khoa học trưởng Jeremy Farrar của WHO nói với các phóng viên ở Geneva (Thụy Sĩ), theo Reuters.

Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy virus cúm H5N1 lây lan từ người sang người. Nhưng trong hàng trăm trường hợp con người bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với động vật, "tỷ lệ tử vong là cực kỳ cao", theo bà Farrar.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 1.4.2024, WHO cho hay đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong số 889 ca nhiễm ở người trong 23 quốc gia, đưa tỷ lệ tử vong trong các ca bệnh lên 52%.

Trong một diễn biến đáng lo ngại, chính quyền Mỹ trong tháng này cho hay một người ở bang Texas đang khỏi cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với bò sữa. Đây chỉ là trường hợp thứ hai có kết quả xét nghiệm ở người dương tính với cúm gia cầm ở Mỹ.

Đây cũng có thể là ca nhiễm virus cúm H5N1 đầu tiên ở người do tiếp xúc với động vật có vú bị nhiễm bệnh, theo WHO.

Ông Farrar cảnh báo rằng "loại virus này chỉ đang tìm kiếm vật chủ mới. Đó là mối quan ngại thực sự". Từ đó, ông Farrar kêu gọi tăng cường giám sát, nhấn mạnh rằng "việc nhận biết có bao nhiêu ca lây nhiễm ở người đang xảy ra là rất quan trọng... bởi vì đó là nơi sự thích nghi (của virus cúm H5N1) sẽ diễn ra".

Ông Farrar cho hay những nỗ lực đang được tiến hành nhằm phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị H5N1, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo rằng các cơ quan y tế khu vực và quốc gia trên toàn thế giới có khả năng chẩn đoán virus cúm H5N1.

Việc này được thực hiện để "nếu H5N1 lây sang người và lây truyền từ người sang người", thế giới sẽ "có thể ứng phó ngay lập tức", theo ông Farrar.

Theo Thanh niên