leftcenterrightdel
 WHO cho biết bệnh lao kháng thuốc và nhiều loại bệnh khác kháng thuốc vẫn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng rất đáng lo ngại

Theo WHO, con số này tăng đáng kể so với 7,5 triệu ca được báo cáo vào năm 2022, đưa bệnh lao trở thành căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu vào năm 2023, vượt qua cả COVID-19.

Báo cáo toàn cầu về bệnh lao năm 2024 của WHO nêu bật những tiến triển không đồng đều trong cuộc chiến chống lại bệnh lao toàn cầu, với những thách thức dai dẳng như tình trạng thiếu kinh phí đáng kể. Trong khi số ca tử vong liên quan đến bệnh lao giảm từ 1,32 triệu vào năm 2022 xuống còn 1,25 triệu vào năm 2023, tổng số người mắc bệnh lao lại tăng nhẹ lên ước tính 10,8 triệu vào năm 2023.

Theo thống kê của WHO, căn bệnh ảnh hưởng không cân xứng đến người dân ở 30 quốc gia có số ca bệnh cao. Trong đó, Ấn Độ (26%), Indonesia (10%), Trung Quốc (6,8%), Philippines (6,8%) và Pakistan (6,3%) cùng nhau chiếm 56% gánh nặng bệnh lao toàn cầu. Theo báo cáo, 55% số người mắc bệnh lao là nam giới, 33% là phụ nữ và 12% là trẻ em và thanh thiếu niên.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết: "Thực tế là bệnh lao vẫn giết chết và làm nhiều người bị bệnh là một sự phẫn nộ, khi chúng ta có các công cụ để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị căn bệnh này".

"WHO kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện tốt các cam kết cụ thể và chấm dứt bệnh lao".

Tuy nhiên, để xóa sổ bệnh lao vẫn là một hành trình dài bởi nguồn tài trợ toàn cầu cho công tác phòng ngừa và chăm sóc bệnh lao tiếp tục giảm vào năm 2023 và vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC), chịu 98% gánh nặng bệnh lao, phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn tài trợ đáng kể. Theo mục tiêu, năm 2023 cần 22 tỉ USD để cung cấp các nguồn y tế phòng ngừa và chăm sóc bệnh lao nhưng thực tế nguồn tài trợ chỉ có 5,7 tỉ USD, tương đương với 26% mục tiêu toàn cầu.

Trên toàn cầu, nghiên cứu về bệnh lao vẫn còn thiếu kinh phí nghiêm trọng khi chỉ đạt được 1% trong mục tiêu đề ra hàng năm. Điều này cản trở việc phát triển các phương pháp chẩn đoán, thuốc và vắc xin phòng bệnh lao mới.

Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình Lao toàn cầu của WHO - cho biết: "Chúng ta đang phải đối mặt với vô số thách thức to lớn: thiếu hụt tài chính và gánh nặng tài chính thảm khốc đối với những người bị ảnh hưởng, biến đổi khí hậu, xung đột, di cư và di dời, đại dịch và bệnh lao kháng thuốc, tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Điều bắt buộc là chúng ta phải đoàn kết trên tất cả các lĩnh vực và bên liên quan, để đối mặt với những vấn đề cấp bách này và tăng cường nỗ lực".

WHO kêu gọi các chính phủ, đối tác toàn cầu và các nhà tài trợ khẩn trương tiến hành cam kết về bệnh lao. Theo WHO, việc tăng cường tài trợ cho nghiên cứu, đặc biệt là vắc xin lao mới, là điều cần thiết để đẩy nhanh tiến độ và đạt được các mục tiêu toàn cầu đặt ra cho năm 2027.

Theo phụ nữ TPHCM