leftcenterrightdel
 Theo WHO, ít nhất 95% trẻ em cần được tiêm phòng sởi đầy đủ để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Ảnh: PEXELS

Theo số liệu của WHO, tổng cộng có 56.634 trường hợp mắc bệnh sởi và 4 trường hợp tử vong đã được ghi nhận trong 3 tháng đầu năm tại 45/53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu và bao gồm cả Trung Á.

Con số này chỉ ít hơn 5.000 trường hợp so với cả năm 2023 của khu vực. Năm 2023, có 61.070 trường hợp và 13 trường hợp tử vong được báo cáo. "Con số này cũng gấp 60 lần so với năm 2022 khi chỉ có 941 trường hợp được báo cáo" - WHO cho biết.

WHO kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực tiêm chủng.

“Các ca bệnh sởi trên khắp châu Âu tiếp tục gia tăng, với số ca mắc sởi được ghi nhận vào năm 2024 sẽ sớm vượt quá tổng số ca được báo cáo trong suốt năm 2023.

Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hành động ngay lập tức, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tổng thể cao, tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách về khả năng miễn dịch và từ đó ngăn chặn vi rút xâm nhập vào bất kỳ cộng đồng nào”, Giám đốc WHO châu Âu - Hans Kluge cho biết.

Bệnh sởi do virus gây ra và lây lan dễ dàng qua hơi thở, ho hoặc hắt hơi. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai.

Các triệu chứng thường bao gồm phát ban, sổ mũi, ho và chảy nước mắt. Các biến chứng có thể nghiêm trọng.

Gần một nửa số trường hợp được ghi nhận vào năm 2023 liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi.

WHO cho biết điều đó phản ánh sự gia tăng số trẻ em không được tiêm chủng định kỳ phòng bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin khác trong đại dịch COVID-19, cùng với sự phục hồi chậm trong phạm vi tiêm chủng vào năm 2021 và 2022.

Azerbaijan, Kyrgyzstan và Kazakhstan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024.

Theo phụ nữ TPHCM