Vào tháng 12.2021, sau chấn động do đại dịch Covid-19 gây ra, các quốc gia thành viên của WHO đã quyết định khởi động quá trình đàm phán và soạn thảo một công cụ quốc tế mới về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó các đại dịch.

Theo đó, 194 quốc gia thành viên của WHO đang đàm phán một hiệp định quốc tế nhằm đảm bảo các quốc gia được trang bị tốt hơn để ứng phó thảm họa sức khỏe tiếp theo hoặc ngăn chặn hoàn toàn thảm họa tiềm tàng này, theo AFP.

Theo kế hoạch, việc ký kết hiệp định nói trên sẽ diễn ra tại cuộc họp thường niên năm 2024 của Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO. Cuộc họp này dự kiến diễn ra vào ngày 27.5.

Tuy nhiên, phát biểu tại buổi khai mạc cuộc họp ban điều hành của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay thời gian không còn nhiều và nếu không nước nào sẵn sàng có động thái thì toàn bộ kế hoạch có nguy cơ chẳng đi đến đâu.

leftcenterrightdel
 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một sự kiện ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 15.12.2023

Ông Tedros đã nhắc nhở các nước rằng nhiều nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đồng ý cam kết giải quyết các cuộc đàm phán về một hiệp định ứng phó đại dịch và sửa đổi Quy định Y tế quốc tế (IHR) vào tháng 5.2024. "Tôi phải nói rằng tôi lo ngại các quốc gia thành viên có thể không đáp ứng cam kết đó. Thời gian rất ngắn. Và còn một số vấn đề tồn đọng cần được giải quyết", ông Tedros nhấn mạnh.

Ông Tedros cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận nói trên, đó sẽ là việc bỏ lỡ "một cơ hội mà các thế hệ tương lai có thể không tha thứ cho chúng ta". Ông nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hợp tác một cách khẩn trương và có mục đích để đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận vững chắc nhằm giúp bảo vệ con cháu chúng ta khỏi các đại dịch trong tương lai".

Theo Thanh niên