leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng bắt những con dơi được cho là nguyên nhân làm lây lan virus chết người Nipah ở Kozikode, bang Kerala, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chưa phát hiện ca nhiễm mới virus Nipah nào ở Ấn Độ kể từ ngày 15/9 vừa qua, sau một đợt bùng phát khiến 2 trường hợp tử vong tại bang Kerala miền Nam nước này.

Trong bản cập nhật về đợt bùng phát virus Nipah, WHO nêu rõ kể từ ngày 12/9, có 387 mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm tại Ấn Độ, trong đó có 6 ca dương tính với virus Nipah. Từ ngày 15/9 đến nay chưa phát hiện ca mắc mới nào.

Từ ngày 12-15/9, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận 6 ca nhiễm virus Nipah, trong đó có 2 ca tử vong, tại huyện Kozhikode thuộc bang Kerala.

WHO cho biết ngoài ca mắc đầu tiên chưa rõ nguồn lây, các ca còn lại đều do tiếp xúc với gia đình và bệnh viện liên quan đến ca đầu tiên.

Tính đến ngày 27/9, đã truy vết 1.288 trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm được xác nhận, trong đó những nhân viên y tế và những người tiếp xúc có nguy cơ cao đang được cách ly và theo dõi trong 21 ngày.

Đây là đợt bùng phát virus Nipah lần thứ 6 tại Ấn Độ kể từ năm 2001. Năm 2018, ít nhất 17 người đã tử vong tại Kerala do nhiễm virus Nipah.

Vật chủ chứa virus Nipah là dơi ăn quả. Virus lây sang người qua tiếp xúc với các động vật nhiễm virus như dơi và lợn. WHO cho biết Nipah cũng lây từ người sang người, song con đường lây nhiễm này ít phổ biến hơn. Giai đoạn ủ bệnh từ khoảng 4-14 ngày, nhưng có trường hợp báo cáo kéo dài đến 45 ngày.

WHO cho biết những người nhiễm bệnh ban đầu có các triệu chứng như sốt, suy hô hấp, đau đầu và nôn mửa. Trường hợp nặng có thể viêm não, co giật dẫn đến hôn mê. Hiện chưa có vaccine để phòng ngừa virus Nipah và tỷ lệ tử vong do nhiễm virus này từ 40-75%.

Virus Nipah được phát hiện lần đầu vào năm 1998 trong đợt bùng phát bệnh ở những người nuôi lợn tại Malaysia.

Virus Nipah nằm trong danh sách của WHO về các mầm bệnh có nguy cơ gây dịch bệnh. WHO lập danh sách này nhằm định hướng nghiên cứu và phát triển các phương pháp phòng ngừa và chữa trị, đặc biệt là phát triển vaccine./.

Theo vietnamplus