Một vận động viên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer tại Úc ngày 10-5 - Ảnh: REUTERS


"Một nhà sản xuất vắc xin ở Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA" - Hãng tin Reuters ngày 12-5 dẫn lời ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam, xác nhận. Tuy nhiên, quan chức WHO không nói rõ nhà sản xuất nào đang quan tâm đến kế hoạch này.

Theo ông Park, WHO đang xem xét đề xuất này. Tổ chức này cũng hi vọng Việt Nam sẽ đăng ký "sản xuất quy mô lớn" vắc xin ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA.

mRNA là công nghệ vắc xin giống với loại vắc xin của Pfizer và đối tác BioNTech, tức là khiến cơ thể tạo ra loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Vắc xin MRNA, tương tự như vậy được phát triển bởi BioNTech và Pfizer, thúc đẩy cơ thể con người tạo ra một loại protein là một phần của virus, kích hoạt phản ứng miễn dịch.

WHO hồi tháng 4-2021 cho biết cơ quan này đang tìm cách mở rộng năng lực sản xuất của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, và mở rộng quy mô sản xuất vắc xin để giúp kiểm soát đại dịch.

"Nếu Việt Nam giữ một trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA, việc này sẽ đóng góp vào sự sản xuất vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA ở Việt Nam cũng như trong khu vực" - ông Park nói.

Công nghệ mRNA - viết tắt của messenger RNA (axit ribonucleic) - sẽ hướng dẫn các tế bào tạo ra chính xác loại protein nào chúng ta muốn.

Trên lý thuyết, cơ chế đó có thể tạo ra bất kỳ phân tử tự nhiên nào trong cơ thể, ví dụ để chữa lành cơ quan nội tạng hoặc cải thiện tuần hoàn máu. Hoặc người ta có thể "ra lệnh" cho tế bào sản sinh một loại protein mới để hệ miễn dịch nhận diện và phá hủy.

Trong trường hợp COVID-19, vắc xin mRNA gửi thông tin cụ thể đến tế bào để tạo ra "gai protein" tương tự của virus SARS-CoV-2. Hệ miễn dịch nhận diện kẻ xâm nhập sẽ tấn công các protein này và ghi nhớ. Nếu sau này bắt gặp virus thật, cơ thể sẽ tấn công lập tức với độ chính xác cao nhờ đã được huấn luyện, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hoặc bệnh nặng.

Theo tuoitre