Một nghiên cứu gần đây liên quan đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh (kháng kháng sinh) đã được Tạp chí Lancet công bố cho biết, hơn 39 triệu người sẽ tử vong do vấn đề sức khỏe liên quan đến kháng kháng sinh, trong vòng 25 năm tới.
Tình trạng kháng kháng sinh từ lâu đã là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và WHO đang thúc giục chương trình nghị sự này trở thành trọng tâm hàng đầu tại các cuộc họp của UNGA79 (Kỳ họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc) đang diễn ra tại New York - Hoa Kỳ từ ngày 20-30/9/2024.
WHO cho biết, nếu không có kế hoạch hành động quyết đoán và nhanh chóng, kháng kháng sinh có thể gây ra nhiều đau khổ hơn nữa trên toàn cầu. Các vấn đề sức khỏe này có thể đặc biệt rất cao ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Kháng kháng sinh là gì?
Theo WHO, kháng thuốc kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn phản ứng với thuốc, khiến người bệnh ốm hơn và làm tăng sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng khó điều trị, dẫn đến bệnh tật và tử vong.
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, người sẽ phát biểu tại cuộc họp cấp cao về AMR cho biết: "Kháng thuốc đe dọa một thế kỷ tiến bộ y tế và có thể đưa chúng ta trở lại thời kỳ tiền kháng thuốc, khi các bệnh nhiễm trùng có thể điều trị được ngày nay có thể trở thành án tử hình. Đây là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia ở mọi mức thu nhập và đó là lý do tại sao cần phải có phản ứng toàn cầu mạnh mẽ, nhanh chóng và phối hợp tốt ngay lập tức".
Tầm quan trọng của các cuộc thảo luận cấp cao về sức khỏe tại UNGA79
Thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những tác động và biến thể mới của COVID-19. Gần đây, một biến thể COVID XEC mới đang lây lan ở gần 27 quốc gia. Bên cạnh COVID-19, các bệnh khác như sốt rét, bệnh do véc tơ truyền và các vấn đề liên quan đến các bệnh không lây nhiễm (NCD) khác, cũng đang gia tăng và diễn biến phức tạp hàng năm.
UNGA79 diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) năm 2030. Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng tiến độ hướng tới các mục tiêu y tế vẫn chưa đạt được, trầm trọng hơn do các cuộc khủng hoảng nhân đạo, xã hội và khí hậu đang diễn ra.
Hàng triệu người vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ y tế cứu sống, làm nổi bật mối liên hệ giữa sức khỏe và phát triển bền vững. Hội nghị thượng đỉnh lần này đã quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới, để tạo ra sự đồng thuận quốc tế mới về cách thức thực hiện tốt hơn trong hiện tại, bao gồm đảm bảo việc ra quyết định toàn cầu, được hướng dẫn bởi khoa học, để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và bảo vệ tương lai.
Theo suckhoedoisong.vn