Các nhân viên khử trùng và làm vệ sinh một khu mua sắm ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 27.2 - Reuters
Với số ca nhiễm mới được ghi nhận trên khắp thế giới hiện đang vượt qua con số ở Trung Quốc đại lục, ông Tedros ngày 27.2 cho biết ngay cả các quốc gia giàu có cũng nên chuẩn bị cho “những tình hình huống bất ngờ” vì dịch COVID-19, theo Reuters.
“Không có quốc gia nào có thể tuyên bố miễn nhiễm trước dịch COVID-19 vì đó là một sai lầm chết người”, ông Tedros nói.
Tổng giám đốc WHO đồng thời lưu ý trường hợp của nước Ý, nơi chính phủ xác nhận thêm 3 người tử vong, nâng tổng số ca chết lên 17, cao nhất ở châu Âu. Bên cạnh đó, Ý ghi nhận số ca nhiễm đã tăng lên 650.
Ngoài việc dự trữ vật tư y tế, chính quyền một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã yêu cầu tất cả trường học đóng cửa và hủy bỏ các sự kiện lớn trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, vốn bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.
Số ca nhiễm mới và tử vong ghi nhận hằng ngày có dấu hiệu giảm ở Trung Quốc đại lục, nhưng tăng vọt ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Đáng quan ngại là trường hợp một phụ nữ nhiễm COVID-19 đã bình phục ở Nhật Bản, nhưng xét nghiệm lại cho ra kết quả dương tính với virus Corona chủng mới.
Trường hợp tái nhiễm sau khi bình phục cũng đã được ghi nhận ở Trung Quốc và giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ bệnh nhân hồi phục đã mang virus Corona chủng mới trong người nhưng vẫn không có khả năng miễn dịch.
Các nhà khoa học cảnh báo vẫn còn nhiều điều chưa biết về virus chết người này.
Tính đến ngày 28.2, dịch COVID-19 đã lây nhiễm gần 82.790 người trên toàn thế giới và làm chết hơn 2.814 người.
Hiện số ca nhiễm lẫn tử vong là cao nhất là ở Trung Quốc, nhưng ổ dịch mới bùng phát tại gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Mỹ Latinh, châu Âu và châu Phi.
Bên ngoài Trung Quốc đại lục, có khoảng 3.500 ca nhiễm và 54 trường hợp tử vong đã được ghi nhận, theo số liệu của WHO.
Dịch COVID-19 đáp ứng định nghĩa về đại dịch của WHO: đại dịch là "sự lây lan trên toàn thế giới" của một căn bệnh mới.
Tuy nhiên, ông Tedros chỉ cảnh báo nguy cơ COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, đồng thời cho biết Iran, Ý và Hàn Quốc đang ở “thời điểm quyết định” (tức giai đoạn đầu của sự bùng phát dịch bệnh) nên cần phải có hành động nhanh chóng, quyết liệt để kiểm soát sự lây lan.
Những đại dịch trước đây Đại dịch là một phần trong lịch sử loài người nhiều thế kỷ qua và được ghi nhận sớm nhất là vào năm 1580. Tính từ 1580, ít nhất 4 đại dịch cúm đã xảy ra vào thế kỷ 19 và 3 trong thế kỷ 20, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). - Đại dịch nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 20 là đại dịch cúm năm 1918, còn được gọi là "cúm Tây Ban Nha". Đại dịch cúm năm 1918 lây nhiễm khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ, và làm chết khoảng 50 triệu người trên toàn cầu. - Năm 1957, virus cúm A/H1N1 (còn được gọi là “cúm châu Á”) đã bùng phát ở Đông Á, gây ra đại dịch làm chết 1,1 triệu người trên toàn thế giới và 116.000 ở Mỹ. - Năm 1968, một đại dịch do virus cúm A/H3N2 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới. Đại dịch năm 1968 làm chết khoảng 100.000 người khắp Trung Quốc và 1 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Hầu hết trường hợp tử vong là ở người lớn từ 65 tuổi trở lên, theo CDC. H3N2 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu dưới dạng virus cúm theo mùa. - Vào mùa xuân năm 2009, virus cúm A/H1N1 bùng phát, được phát hiện đầu tiên ở Mỹ và sau đó lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới. CDC ước tính có khoảng 151.700-575.400 người tử vong khắp thế giới trong năm đầu tiên H1N1 xuất hiện. Trên toàn cầu, 80% số ca tử vong được ước tính xảy ra ở những người dưới 65 tuổi. Đến tháng 8.2010, WHO tuyên bố đại dịch cúm toàn cầu. Từ đó, H1N1 vẫn tiếp tục trở lại dưới dạng virus cúm theo mùa hàng năm. |
Theo thanhnien