Phát biểu tại hội thảo góp ý luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em ngày 24.11, tại Hà Nội, bà Đỗ Hồng Phương, chuyên gia dinh dưỡng của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), đặc biệt nhấn mạnh tình trạng thừa cân, béo phì trẻ em tại Việt Nam đang gia tăng.

leftcenterrightdel
 Đa phần ý kiến tại hội thảo đồng tình với việc cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Trong nhóm trẻ 5 - 19 tuổi, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% (2010) lên 19% (2020), trong đó khu vực thành thị 26,8%. Con số này cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%).

"Nếu không có các can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030, gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 19 tuổi bị thừa cân, béo phì", bà Phương nói.

Nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì được chỉ ra có sự tương đồng ở các quốc gia, trong đó có lý do tiêu thụ nhiều đồ uống có đường; tiêu thụ thấp các loại rau, củ và trái cây; thiếu vận động.

Theo bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em từ 2 - 5 tuổi nếu thường xuyên uống nước ngọt thì nguy cơ béo phì tăng 43%. Béo phì ở trẻ em là một vấn đề toàn cầu, cần hành động khẩn cấp.

"Chúng tôi thường xuyên báo động về tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam. Tỷ lệ trẻ em và vị thành niên thừa cân, béo phì đã tăng gấp đôi sau 10 năm và tăng gấp 3 ở khu vực đô thị, thành phố lớn. Nhìn vào biểu đồ dịch tễ học về béo phì ở trẻ em và vị thành niên, chúng tôi gọi đây là đại dịch, cần giải quyết khẩn cấp", bà Mai nhấn mạnh.

Thuế đồ uống có đường 10% chưa đủ mạnh

Theo ông Nguyễn Huy Quang (Tổng hội Y học Việt Nam), nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): đồ uống có đường không chỉ là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh khác.

Xu hướng sử dụng đồ uống có đường ở Việt Nam đang tăng cao, vượt nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia.

Hiện nay trên thế giới có 104 quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường trên phạm vi cả nước; 3 quốc gia đánh thuế tại một số bang, địa phương. ASEAN đã có 6 quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Hoàn toàn ủng hộ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, song ông Quang cũng bày tỏ lăn tăn với mức đánh thuế 10%. "Có ý kiến cho rằng cần tăng thêm mới đảm bảo tăng giá sản phẩm, tiến tới thay đổi hành vi, còn đánh thuế ở mức 10% thì tác động không nhiều", ông Quang nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua. Tỷ lệ thừa cân, béo phì và tiểu đường tuýp 2 cũng đang tăng nhanh ở Việt Nam.

Thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp hiệu quả để làm giảm việc sử dụng nước ngọt. Hiện đã là thời điểm rất thích hợp, cần thiết để áp thuế đồ uống có đường.

"Mức thuế 10% giá bán của nhà sản xuất, áp trong 1 năm là rất nhỏ, ít tác động. Việt Nam nên xem xét áp dụng lộ trình tăng thuế hàng năm để thuế đồ uống có đường ở mức 40% giá bán nhà sản xuất (tức là 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO) vào năm 2030 để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Đồng thời, Việt Nam nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường như dán nhãn mặt trước, cấm quảng cáo…", ông Lâm nói.

Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: "Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường ở mức 10% như dự thảo là chấp nhận được, đánh thuế để hạn chế được chừng nào hay chừng đó".

Dù vậy, do các phân tích cho thấy đồ uống có đường không phải là nguyên nhân duy nhất gây thừa cân, béo phì, bà Thơ đề xuất cơ quan soạn thảo luật và Chính phủ cân nhắc thêm để đưa ra giải pháp tổng hòa hơn.

"Ví dụ, các loại thức ăn công nghiệp, đồ ăn nhanh… cũng là thực phẩm cần nghiên cứu để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao. Đánh thuế riêng đồ uống có đường thì chưa đủ để ngăn chặn tình trạng thừa cân, béo phì", bà Thơ nói.

Theo Thanh niên