WHO quan ngại khi xuất hiện các ổ dịch mới ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Những gian hàng trống rỗng trong một siêu thị ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin AFP, số ca mắc bệnh COVID-19 tăng lên ở Đông Nam Á trong vài tuần qua buộc nhiều nước thành viên khối này phải áp dụng biện pháp mạnh để đối phó, kể cả việc ngưng tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh, áp dụng giờ giới nghiêm vào buổi tối, đóng cửa trường, và hủy các sự kiện thể thao.

Bà Poonam Khetrapal Singh, giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO, cho biết: "Chúng ta cần đẩy mạnh ngay lập tức mọi nỗ lực ngăn chặn virus lây nhiễm nhiều người hơn".

Theo AFP, có quan ngại rằng hệ thống y tế công khiêm tốn ở các nước Đông Nam Á có thể không chống đỡ nổi khi xảy ra một đợt bùng phát lớn.

"Đã xuất hiện các ổ dịch mới. Đây vừa là dấu hiệu cho thấy công tác cảnh báo và giám sát có hiệu quả vừa thể hiện rằng toàn xã hội cần nỗ lực hơn để ngăn chặn COVID-19 tiếp tục lây lan. Rõ ràng chúng ta cần làm nhiều hơn và khẩn cấp hơn", bà Singh nhấn mạnh.

Chuyên gia của WHO cho biết các biện pháp đơn giản như rửa tay, tránh xa nơi đông người rất quan trọng trong việc đối phó COVID-19 và sẽ dần dần giúp giảm lây nhiễm.

Malaysia hiện là nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất ở Đông Nam Á, mới ghi nhận 2 trường hợp tử vong, 1 trong số đó liên quan đến một sự kiện tôn giáo có khoảng 16.000 tham dự mà đến nay đã có hơn 400 người được xác nhận mắc bệnh.

Cụ thể kể từ ngày 27-2 tới 1-3, khoảng 16.000 tín đồ đã dự sự kiện Ijtima Tabligh, một cuộc tụ tập tôn giáo tại nhà thờ Sri Petaling. Trong đó có khoảng 1.500 người nước ngoài đến từ Canada, Ấn Độ, Úc, Nigeria, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Việt Nam...

Đến nay khoảng 2/3 trong số 673 ca bệnh COVID-19 ở Malaysia có liên quan tới sự kiện kéo dài 4 ngày trên. Chính phủ Malaysia ngày 16-3 thông báo cấm người dân ra ra nước ngoài và ngừng cho người nước ngoài nhập cảnh.

WHO quan ngại khi xuất hiện các ổ dịch mới ở Đông Nam Á - Ảnh 2.
Tất cả những người tham gia sự kiện tôn giáo ở thánh đường Seri Petaling, Malaysia mới đây được khuyên hợp tác với giới chức y tế - Ảnh: Bernama

Tính đến ngày 18-3, Singapore có thêm 23 ca nhiễm COVID-19 mới, là số ca được ghi nhận nhiều nhất trong một ngày ở đảo quốc này từ trước đến nay. Tổng số ca nhiễm COVID-19 của Singapore là 266 người, với 114 trường hợp khỏi bệnh, theo Channel News Asia. 

Brunei hiện ghi nhận 50 ca nhiễm, chưa có trường hợp tử vong. Cập nhật mới nhất cho thấy Indonesia có tổng số ca nhiễm là 172. Campuchia có 35 ca nhiễm. 

Theo báo PhilstarPhilippines ghi nhận thêm 6 ca nhiễm trong ngày 18-3, tổng số trường hợp nhiễm bệnh là 193 người. Ngành y tế nước này dự báo có thể sẽ có 75.000 trường hợp nhiễm bệnh trong vòng 1-2 tháng tới nếu dịch bệnh COVID-19 không được kiểm soát tốt. 

Việt Nam hiện ghi nhận có 68 ca bệnh COVID-19. 

Lào và Myanmar chưa công bố ca nhiễm bệnh nào dù cơ quan chức năng đang tích cực đối phó với dịch bệnh.

Đông Nam Á giật mình

Theo đài Channel News Asia của Singapore, trong số hơn 16.000 người dự thánh lễ ở thánh đường Sri Petaling tại Malaysia, có khoảng 700 người Indonesia, 200 người Philippines, 95 người Singapore.

Tuy nhiên, đây chỉ là những con số ước tính bởi truyền thông. Có những quốc gia có rất đông người tham dự sự kiện trên nhưng không có số liệu cụ thể và chính thức như Brunei. Theo tờ Borneo Bulletin của Brunei, hiện nhà chức trách chỉ mới xác định được hơn 90 người tham dự sự kiện nói trên.

Tính đến chiều 18-3, số ca dương tính với virus corona mới tại Brunei là 56 người, trong đó ít nhất 38 người đã từng tới Sri Petaling, chiếm tỉ lệ hơn 67%. Indonesia cũng ghi nhận 3 ca nhiễm mới và đang ráo riết truy tìm, lập danh sách những người đã trở về từ Malaysia.

Singapore, Việt Nam và Campuchia cũng ghi nhận các ca nhiễm là người trở về từ thánh lễ ở Malaysia. Báo New York Times của Mỹ nhận định chung các nước Đông Nam Á trong suốt nhiều tuần qua đã lơ là các biện pháp phòng vệ và việc nhà thờ ở Malaysia trở thành ổ dịch là đòn cảnh tỉnh các nhà lãnh đạo khu vực.

Tờ báo của Mỹ đã dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi cuối tuần trước để nói về sự chủ quan của một số nước. "Có những thứ chúng tôi tiết lộ nhưng có những thứ chúng tôi giữ lại vì chúng tôi không muốn tạo ra sự lo lắng và hoảng loạn trong xã hội", ông Widodo thừa nhận.

Trước đó, một bộ trưởng của Indonesia đã tuyên bố chỉ cần cầu nguyện mỗi ngày, người dân ở đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới này sẽ thoát khỏi virus.

BẢO DUY

Theo tuoitre