Xem điện thoại, tivi trong khi ăn tác động đến sức khỏe như thế nào?
Cập nhật lúc 23:50, Thứ hai, 27/05/2024 (GMT+7)
Nghiên cứu mới, vừa được trình bày tại Hội nghị châu Âu lần thứ 31 về béo phì ở Venice (Ý) cho thấy trẻ em xem điện thoại hoặc xem tivi trong khi ăn có nhiều khả năng bị thừa cân hơn.
Theo đó, sử dụng thiết bị điện tử trong khi ăn làm tăng 15% nguy cơ thừa cân ở trẻ, theo Daily Mail.
Hóa ra các màn hình yêu thích có thể góp phần gây ra cuộc khủng hoảng béo phì ở trẻ em, chính sự "phân tâm" bởi màn hình khiến trẻ không nhận ra mình đã no.
Nhóm các nhà khoa học từ Đại học Minho (Bồ Đào Nha) đã nghiên cứu thói quen ăn uống của 735 trẻ em, từ 6 đến 10 tuổi.
Trẻ được hỏi về bữa ăn điển hình hằng ngày và về các quy tắc sử dụng màn hình trong giờ ăn.
Kết quả đã phát hiện ra rằng những trẻ được phép sử dụng thiết bị điện tử trong khi ăn có nguy cơ thừa cân cao hơn 15%.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Ana Duarte cho biết: Khi trẻ xem tivi hoặc điện thoại di động trong khi ăn, các bé tiếp tục ăn dù đã no vì bị phân tâm bởi màn hình.
Ông Tam Fry, người sáng lập Tổ chức về trẻ em của Anh - Child Growth Foundation, cho biết: Trẻ béo phì cũng mắc các bệnh như tiểu đường mà trước đây chỉ người lớn mới mắc phải.
Rõ ràng là việc để trẻ ăn một cách vô thức trong xem điện thoại hoặc ngồi trước tivi sẽ có hại cho sức khỏe của chúng. Buồn thay, điều này đã trở thành lối sống của nhiều gia đình. Thời gian xem màn hình quá mức cũng liên quan đến các vấn đề sức khỏe bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường và ngủ kém.
Hiện rất nhiều bậc cha mẹ, vì muốn được "rảnh tay", đã lạm dụng việc cho trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng hay xem tivi. Thống kê cho thấy trẻ 8 tuổi thường dành 2 giờ 45 phút trực tuyến mỗi ngày. Và khi các em bắt đầu học trung học, con số này tăng lên hơn 4 giờ mỗi ngày, theo Daily Mail.
Theo Thanh niên