leftcenterrightdel
Nốt ruồi ở lòng bàn tay, bàn chân có nhiều nguy cơ trở thành ung thư do ma sát nhiều (Ảnh minh họa) 

Một người phụ nữ trung niên họ Lưu, sống tại Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) bất ngờ phát hiện ung thư sau khi đi khám da liễu vì một nốt ruồi. Giống như rất nhiều người khác, bà Lưu cho biết mình không quá để tâm đến những nốt ruồi trên cơ thể. Đặc biệt là nếu chúng mọc ở những nơi ít ai nhìn thấy hoặc quần áo che phủ được.

Bà cũng cho biết, từ nhỏ mình đã có một nốt ruồi nhỏ ở lòng bàn chân phải. Bản thân bà cũng chỉ thấy nó mỗi khi đi tắm, rửa chân hay massage chân trước khi đi ngủ. Cho đến cuối tháng 6 năm nay, bà đột nhiên phát hiện nốt ruồi của mình tăng lên về kích thước. Nhưng vì không đau cũng chẳng ngứa, cũng không ảnh hưởng tới ngoại hình nên bà Lưu không quan tâm.

Bẵng đi gần hai tháng, bà bắt đầu cảm thấy đau nhức lòng bàn chân mỗi khi di chuyển. Khi kiểm tra lại, phát hiện nốt ruồi đã to hơn trước rất nhiều, thậm chí còn có dấu hiệu sưng tấy và lở loét. Cho rằng bị bệnh ngoài da, bà Lưu tự mua thuốc bôi nhưng không khỏi, vết loét ngày càng lan rộng. Sang tháng 9, bà quyết định đi khám da liễu tại phòng khám tư nhân và được bác sĩ khuyên nên tới bệnh viện trung ương thăm khám. Bởi đây không chỉ là bệnh da liễu, có thể là vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan tới chi hoặc thậm chí là dấu hiệu của một khối u.

Sau khi tìm hiểu, người nhà đưa bà Lưu tới Khoa Phẫu thuật tay chân của Bệnh viện Puren Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) vào tháng 10. Thật không ngờ, kết quả chẩn đoán chỉ ra nốt ruồi ở chân thực chất là một khối u ác tính - ung thư hắc tố, một trong những loại ung thư da nguy hiểm nhất.

Bác sĩ nhắc nhở các dấu hiệu của nốt ruồi cảnh báo ung thư da

Bác sĩ nội trú Chen Lei thuộc Bệnh viện Puren Vũ Hán là người thăm khám và điều trị cho bà Lưu. Ông kể lại: “Khi tới bệnh viện, bệnh nhân bị sưng tấy bàn chân nặng, khả năng vận động kém, cảm giác ngoại biên kém, lượng máu cung cấp và khả năng vận động của khớp hơi kém. Khoảng giữa lòng bàn chân phải có một khối u tròn không đều, đường kính khoảng 3.5 cm, màu đỏ sẫm do lở loét và chảy dịch”.

Lúc này, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm liên quan và đi tới quyết định cắt bỏ khối u bề mặt trước. Sau đó thực hiện sinh thiết và kết quả cho thấy đây là khối u ác tính, đã có dấu hiệu bắt đầu di căn tới các hạch bạch huyết ở gần và ảnh hưởng tới xương chân. Bác sĩ Chen Lei nói thêm: "U ác tính này có khả năng tái phát và di căn. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể xảy ra các triệu chứng toàn thân như sụt cân, chán ăn. U hắc tố ở lòng bàn chân cũng có thể gây di căn bạch huyết hoặc di căn dị tính, chẳng hạn như bạch huyết, hạch to, di căn não, di căn xương… Có thể ảnh hưởng tới khả năng di chuyển, vận động, nhiều bộ phận khác và đặc biệt là đe dọa tính mạng con người”.

leftcenterrightdel
Ung thư da hắc tố có khả năng di căn, nguy hiểm tính mạng và có thể tái phát sau điều trị (Ảnh minh họa) 

 

Sau khi thảo luận với Trưởng khoa Phẫu thuật tay chân Peng Hanshu, bác sĩ Chen Lei đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u một lần nữa cho bà Lưu. Mặc dù đã cố gắng bảo tồn tối đa các mô và xương, nhưng sau phẫu thuật, khả năng đi lại của bệnh nhân vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng. Chưa kể, khả năng tái phát không thể được loại bỏ hoàn toàn, nhất là khi bệnh nhân tuổi không còn trẻ nên có miễn dịch yếu hơn.

Thông qua trường hợp của bà Lưu, Trưởng khoa Peng Hanshu cũng nhắc nhở chúng ta nên thường xuyên tự kiểm tra các nốt ruồi trên cơ thể. Nhất là ở những vị trí ma sát nhiều, ở lòng bàn tay hoặc bàn chân, ở vùng kín hay đỉnh đầu, những nơi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời…

Nhìn chung, hầu hết các nốt ruồi đều vô hại, chủ yếu chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Nhưng cũng có 1 số nốt ruồi vốn là ung thư hắc tố, hoặc do tiếp xúc với các kích thích bên ngoài (như ma sát, ánh sáng...) mà hình thành ung thư. Ông cảnh báo 5 dấu hiệu phổ biến nhất của nốt ruồi ung thư như sau:

- Thay đổi kích thước và cạnh: Cụ thể là đột nhiên to ra trong thời gian ngắn, hoặc viền thân nốt ruồi thay đổi thì nên cảnh giác với ung thư da.

- Bề mặt đột ngột trở nên cứng hoặc mềm: Một nốt ruồi bình thường sẽ có độ cứng giống như vùng da xung quanh nó. Nếu phát hiện thấy nốt ruồi của mình bỗng nhiên cứng lên hay mềm đi nhiều thì nên đi khám.

- Màu sắc bất thường: Các nốt ruồi lành tính có màu sắc đồng đều trên toàn bộ diện tích của chúng. Chủ yếu là màu nâu và đen nhạt. Khi nhận thấy màu sắc của nốt ruồi loang lổ, không đều màu hoặc đột nhiên đậm lên hoặc đổi màu khác thì cần đề phòng khả năng chuyển hóa ác tính.

- Thay đổi hình dạng: Nốt ruồi đột nhiên lõm xuống hoặc nhô cao hẳn lên, có các hình dạng lạ như mặt trăng, ngôi sao, đa giác… cũng là dấu hiệu của ung thư da.

- Gây khó chịu hoặc tổn thương bất thường: Bề mặt của nốt ruồi lành tính thường nhẵn và phẳng, không gây cảm giác khó chịu. Còn nốt ruồi ung thư sẽ thường sần sùi hoặc gây bong tróc, nứt nẻ, ngứa ngáy, chảy máu, đóng vảy, sưng đỏ, lở loét…

leftcenterrightdel
Nên thường xuyên tự kiểm tra các nốt ruồi để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường (Ảnh minh họa) 

Lúc này, đừng nên xem nhẹ hay tự xử lý giống như bà Lưu mà hãy tìm đến bệnh viện uy tín để thăm khám. Nhất là với những người trung niên, cao tuổi. Bởi khi tuổi tác tăng lên, chức năng miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm dần.Trong khi đó, chức năng miễn dịch thấp là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến biến đổi nốt ruồi thành khối u ác tính. Ngoài ra, ngay cả sau khi điều trị vẫn cần chú ý theo dõi, khám định kỳ để tránh tái phát.

Ngọc Ái/Nguồn: Kknews, Asia One, Healthline