NGỌC THẮNG

Nghiên cứu này dựa trên kết quả quan sát 4.258 trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 11 tại 8 nước châu Âu từ năm 2010 - 2014. Trong thời gian này, phụ huynh các em đã ghi nhận và báo cáo lại thời lượng trung bình mà con của họ dành cho việc xem ti vi, chơi trò chơi điện tử (ảnh), dùng điện thoại hay máy tính bảng và thời gian ngủ.

Kết quả cho thấy cứ mỗi giờ xem màn hình (điện thoại hay máy tính bảng), trẻ em đối mặt với 16% nguy cơ thừa cân hay béo phì. Bên cạnh đó, thời gian ngủ ít hơn mỗi giờ hằng ngày, nguy cơ béo phì tăng lên 23%.

Nghiên cứu cũng ghi nhận những đứa trẻ càng sử dụng nhiều điện thoại và máy tính bảng thì càng ngủ ít đi. Việc thiếu ngủ dẫn đến thay đổi các hormone trong cơ thể, gây cảm giác thèm ăn, thích đồ ăn nhiều chất béo, ít protein và chất xơ. Chưa kể, việc thiếu ngủ khiến trẻ luôn cảm thấy mỏi mệt, lười tập thể thao, lười tham gia các hoạt động ngoài trời, từ đó cơ thể không đốt cháy hết lượng chất béo trẻ đã tiêu thụ.

Một nghiên cứu khác về nguyên nhân tăng cân ở trẻ em khắp nơi trên thế giới vào năm 2018 của Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF, Anh) cũng có kết quả tương tự về mối tương quan trực tiếp giữa thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử với chứng béo phì. Trong thời gian dán mắt vào màn hình, trẻ em dễ ăn quá nhiều đồ ăn vặt, đặc biệt là các loại đồ ăn nhanh, đóng gói mà trẻ thường thấy trong các mục quảng cáo trên ti vi, điện thoại hay máy tính bảng. Các chuyên gia gọi đây là hành vi “tiêu thụ quá mức một cách thụ động”. Do vậy, hạn chế cho trẻ em sử dụng thiết bị điện tử sẽ giúp trẻ ăn tốt và ngủ đủ, cũng như ngủ ngon giấc hơn.

Theo thanhnien