Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) vừa tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên L.C.A 18 tuổi, ở Hà Nội, đến khám cấp cứu vì đau tức tinh hoàn rất nhiều.
Qua khai thác diễn biến, người bệnh kể khi đang ngủ thì đột ngột thấy đau tức tinh hoàn rồi tỉnh giấc. Qua kiến thức tự tìm hiểu về biểu hiện đau đột ngột có nguy cơ đã bị xoắn tinh hoàn và cần phải tháo xoắn cấp cứu. Ngay lập tức người bệnh đã đến khám tại Bệnh viện Việt Đức.
Qua thăm khám kết hợp với hình ảnh siêu âm doppler tinh hoàn cho thấy cấu trúc tinh hoàn không đồng nhất, phù nề mào tinh, không thấy phổ doppler mạch. Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo - Trung tâm Nam học đã xác định người bệnh bị xoắn tinh hoàn và tiến hành tháo xoắn bằng tay ngay trên bàn siêu âm cho người bệnh. Sau tháo xoắn người bệnh đã đỡ đau tức, cấu trúc nhu mô tinh hoàn đồng nhất, mào tinh và tinh hoàn tăng tưới máu.
Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và chờ mổ cố định lại tinh hoàn tránh tái xoắn trở lại.
1. Xoắn tinh hoàn là gì?
BS. Nguyễn Hữu Thảo cho biết, xoắn tinh hoàn là một bệnh lý tối cấp cứu của nam khoa. Là một tình trạng mà cuống mạch máu cấp máu cho tinh hoàn bị xoắn lại. Chuyển động cũng làm xoắn thừng tinh nối với tinh hoàn. Sự xoắn có thể làm chậm hoặc cắt đứt lưu lượng máu đến tinh hoàn. Thiếu máu khiến tinh hoàn bị sưng tấy và đau, càng để lâu sẽ khiến tinh hoàn bị hoại tử.
Xoắn tinh hoàn thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ trong độ tuổi dậy thì, nam giới trẻ dưới 25 tuổi và tăng tỷ lên ở trẻ sinh đôi, sinh non.
Ở trẻ nhỏ, bệnh thường liên quan đến các tổ chức để cố định tinh hoàn. Nếu những tổ chức này lỏng lẻo làm cho trục tinh hoàn dễ bị thay đổi nên dây thừng tinh dễ bị xoắn. Vì vậy ở những trẻ có bệnh lý tinh hoàn di động nên cố định tinh hoàn cho các cháu để tránh nguy cơ bị xoắn tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ là xoắn ngoài tinh mạc.
Xoắn trong tinh mạc thường gặp ở nam giới và thanh niên trưởng thành. Do sự bất thường của thừng tinh và tinh mạc bám cao làm cho tinh hoàn di động, gây nên nguy cơ cao gây xoắn tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu y tế. Nếu xử trí muộn thì hậu quả có thể tinh hoàn sẽ bị hoại tử, phải phẫu thuật cắt tinh hoàn, ảnh hưởng một phần tới khả năng sinh sản của nam giới. Ngoài ra có thể ảnh hưởng tâm lý, khiến nam giới mất tự tin sau này khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn, rối loạn cương dương…
Thời gian vàng để giữ được tinh hoàn là từ 3-6 giờ sau khi có triệu chứng đau cấp tính ở tinh hoàn. Nếu bệnh nhân đến vào thời gian này, bác sĩ sẽ cho siêu âm Doppler màu để chẩn đoán xác định là xoắn tinh hoàn. Khi đã xác định là xoắn tinh hoàn, bệnh nhân sẽ được mổ để tháo các vòng xoắn của thừng tinh ra, và cứu được tinh hoàn.
2. Dấu hiệu nhận biết xoắn tinh hoàn
Dấu hiệu quan trọng và khởi điểm để nhận biết bệnh lý xoắn tinh hoàn là đau vùng bìu. Người bệnh cảm thấy đau đột ngột, dữ dội và có thể lan lên vùng bẹn và thắt lưng. Đau có thể xảy ra bất kì lúc nào nhưng thường hay xảy ra vào ban đêm, lúc nửa đêm, về sáng.
Kèm theo đau bệnh nhân có thể có nôn hoặc buồn nôn, rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt hoặc tiểu rắt. Bệnh nhân thường không có sốt hoặc sốt nhẹ, bìu sưng to, đỏ, sờ vào rất đau…
Xoắn tinh hoàn cần phải phân biệt với các trường hợp viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ mào tinh hoàn.
3. Nguyên nhân gây ra tình trạng xoắn tinh hoàn
Một ca phẫu thuật xoắn tinh hoàn tại Bệnh viện Việt Đức.
Hiện tượng xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn xoay trên thừng tinh đưa máu từ ổ bụng đến tinh hoàn. Nếu tinh hoàn quay nhiều lần, dòng máu đến nó có thể bị chặn hoàn toàn, gây tổn thương nhanh hơn.
Những người bị xoắn tinh hoàn có thể có một đặc điểm di truyền cho phép một hoặc cả hai tinh hoàn xoay tự do bên trong bìu. Đặc điểm này có nghĩa là tinh hoàn của những người này chỉ gắn với thừng tinh chứ không gắn với bìu.
Xoắn tinh hoàn thường xảy ra vài giờ sau khi hoạt động mạnh, sau chấn thương nhẹ ở tinh hoàn hoặc trong khi ngủ. Nhiệt độ lạnh hoặc sự phát triển nhanh chóng của tinh hoàn trong tuổi dậy thì cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
Các yếu tố làm tăng khả năng xoắn tinh hoàn bao gồm:
- Tuổi tác: Xoắn tinh hoàn thường gặp nhất ở nam giới dưới 25 tuổi và thường ảnh hưởng đến nam giới vị thành niên từ 12 đến 16 tuổi.
- Xoắn tinh hoàn trước đây: Nếu tình trạng xoắn tinh hoàn đã xảy ra một lần và tự khỏi mà không điều trị (xoắn và tách rời nhau), nó có khả năng xảy ra một lần nữa. Những cơn đau càng thường xuyên thì nguy cơ tổn thương tinh hoàn càng cao.
- Tiền sử gia đình: Tình trạng này có thể xảy ra trong các gia đình có người bị chứng xoắn tinh hoàn.
- Khí hậu: Nhiều chuyên gia y tế gọi chứng xoắn tinh hoàn là hội chứng mùa đông vì chúng thường xảy ra khi thời tiết lạnh.
Đôi khi, xoắn tinh hoàn xảy ra trước hoặc ngay sau khi sinh. Trong trường hợp này, thường không thể cứu được tinh hoàn. Tuy nhiên, trẻ sẽ cần được phẫu thuật sau khi sinh để chẩn đoán và khắc phục tình trạng xoắn tinh hoàn ở bên tinh hoàn còn lại và ngăn ngừa các vấn đề sinh sản sau này.
4. Điều trị xoắn tinh hoàn thế nào?
Xoắn tinh hoàn phải được điều trị bằng phẫu thuật, mặc dù bác sĩ phòng cấp cứu có thể dùng tay tháo gỡ vòng xoắn. Ngay cả trong những trường hợp đã gỡ xoắn thì phẫu thuật tiếp theo sẽ là cần thiết. Trong quá trình phẫu thuật xoắn tinh hoàn, bác sĩ phẫu thuật sẽ tháo xoắn tinh hoàn, khôi phục lưu lượng máu cho khu vực này. Sau đó, cố định bằng chỉ khâu vào thành bên trong bìu để ngăn ngừa tình trạng xoắn trong tương lai.
Khi có dấu hiệu đau vùng bìu, cần nghĩ ngay đến tình trạng xoắn tinh hoàn và nhanh chóng đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn