Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, tại VN, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15 - 27%. Trong số các bệnh phụ khoa, viêm âm đạo là căn bệnh chị em hay mắc phải nhất. Điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này khi không chỉ xảy ra ở phụ nữ đã lập gia đình mà cả nữ giới chưa từng quan hệ tình dục (QHTD). Song song với nguy cơ sẵn có, những yếu tố liên quan môi trường, đời sống xã hội hay thiếu hụt kiến thức đúng đắn trong giáo dục giới tính và việc vệ sinh vùng nhạy cảm cũng khiến một số bệnh phụ khoa có xu hướng tăng ở các bạn nữ trẻ.

Xu hướng trẻ hóa bệnh phụ khoa - Ảnh 1.

Lưu ý thực hiện tình dục an toàn để phòng nhiễm khuẩn đường sinh sản

Shutterstock

Một vấn đề rất đáng quan ngại hiện nay chính là tâm lý e ngại ở nhiều phụ nữ khi mắc bệnh viêm âm đạo. Mặc dù đa số chị em khi bị bệnh có cảm giác khó chịu nhưng vẫn cố... chịu. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới đến bệnh viện, nhưng khi đó việc điều trị sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian và có thể để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Th.S-BS Dương Thị Hải Ngọc (Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em), bệnh phụ khoa là nhiễm khuẩn đường sinh dục ở nữ (viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, vòi trứng) do các nguyên nhân. Bệnh phụ khoa gặp ở phụ nữ đã có QHTD và cả người chưa QHTD.

2 yếu tố nguyên nhân

Theo Th.S-BS Dương Thị Hải Ngọc, nguyên nhân gây bệnh phụ khoa là do nội sinh hoặc ngoại sinh.

Trong đó, yếu tố nội sinh là sự phát triển quá mức của các vi khuẩn và vi sinh vật có sẵn ở âm đạo (vi khuẩn, nấm...); thói quen sinh hoạt, vệ sinh, môi trường, điều kiện sống (đồ lót chật, thói quen vệ sinh không đúng, thiếu nước sạch, nhà ở, môi trường, khí hậu…); mất cân bằng nội tiết (khi mang thai, sau sinh, tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, stress…). Yếu tố ngoại sinh là vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào đường sinh sản qua các thủ thuật can thiệp y tế chưa đảm bảo vô trùng; do QHTD không an toàn.

BS Ngọc lưu ý: QHTD thô bạo cũng làm tổn thương âm đạo. Những vi khuẩn, vi sinh vật từ hậu môn, bộ phận sinh dục nam giới có thể đi sâu vào âm đạo phụ nữ và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Nữ giới có thể mắc các bệnh phụ khoa ở bộ phận sinh dục trên (phần phụ) như viêm buồng trứng, viêm ống dẫn trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu cấp tính, mãn tính; bộ phận sinh dục dưới (ngoài): viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, viêm âm hộ - âm đạo. Các viêm nhiễm này có thể gây nhiễm trùng thai nghén, nhiễm trùng hậu sản (sẩy thai, thai ngoài tử cung, nhiễm khuẩn ối, nhiễm khuẩn hậu sản, đẻ non, nhiễm khuẩn sơ sinh…); hoặc có thể gây vô sinh, ung thư cổ tử cung (nếu nhiễm vi rút HPV).

Phòng bệnh phụ khoa

Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, vệ sinh cá nhân và vệ sinh kinh nguyệt đúng cách để hạn chế khả năng nhiễm trùng đường sinh dục dưới, không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ. Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm để được chẩn đoán, điều trị các bệnh phụ khoa kịp thời, triệt để. Khám các dịch vụ thai nghén, kế hoạch hóa gia đình, phá thai (nếu có) tại cơ sở y tế tin cậy, an toàn, để hạn chế mắc bệnh phụ khoa do yếu tố ngoại sinh.

Lưu ý thực hiện tình dục an toàn; phòng bệnh lây qua đường tình dục bằng các biện pháp: 1 vợ 1 chồng; hoặc 1 bạn tình; sử dụng bao cao su khi QHTD; không QHTD khi đang mắc nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh phụ khoa.

Nhiễm khuẩn đường sinh sản (RTIs) là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh dục gặp ở cả nam và nữ; gồm 3 nhóm: nhiễm trùng nội sinh; nhiễm trùng ngoại sinh; nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs). Ở nữ giới, nguy cơ mắc RTIs do các yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh - bệnh phụ khoa nhiều hơn là STIs. Ở nam giới thường mắc RTIs là nhóm STIs nhiều hơn RTIs do nội sinh hoặc ngoại sinh. 

Khoảng 90% phụ nữ VN độ tuổi sinh sản mắc bệnh phụ khoa ít nhất 1 lần; nhóm phụ nữ có kiến thức, thu nhập ổn định chiếm hơn 70%.

Số ca mắc bệnh mỗi năm tăng từ 15 - 27%; trường hợp tái mắc nhiều lần là 11%. Trong số mắc, 60% ngại và không đi khám phụ khoa định kỳ; 35% mắc bệnh phụ khoa có thể gây biến chứng nguy hiểm.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Theo Thanh niên