Nguyên nhân và cách xử trí trẻ không chịu bú mẹ

Các dấu hiệu nhận biết trẻ không chịu bú mẹ gồm trẻ ngậm bắt vú nhưng không bú hoặc bú rất yếu; Trẻ khóc và không bú mặc dù mẹ đã cố gắng cho trẻ bú; Trẻ bú một lúc rồi nhả vú ra và khóc. Trẻ có thể làm như thế vài lần trong một cử bú.

Có 4 nhóm lý do làm cho trẻ không chịu bú mẹ: Trẻ bị bệnh, bị đau; Trẻ gặp khó khăn về kỹ thuật bú; Những thay đổi làm trẻ khó chịu (hay gặp ở trẻ 3 đến 12 tháng tuổi) và một số lý do khác.

Có thể trẻ bị nghẹt, tắc mũi không muốn bú. Ngạt tắc mũi làm trẻ bú khó khăn, bú không được dài hơi vì khi bú trẻ không thở được bằng miệng nữa nên cứ bú một lúc lại phải dừng, há mồm để thở. Cũng có thể trẻ bị tưa lưỡi làm miệng đau, khó bú hoặc bỏ bú, quấy khóc.

Xử trí đúng cách khi trẻ không chịu bú mẹ - Ảnh 2.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ từ chối bú mẹ.

Trẻ lớn hơn có thể đang mọc răng, trẻ ốm, viêm mũi họng, chất nhầy của mũi chảy xuống họng làm cho trẻ vướng họng không muốn bú... Mặt khác, về phía người mẹ có thể do tác dụng của thuốc an thần, thuốc chống nhiễm khuẩn... mà người mẹ phải dùng trong khi sinh và sau đẻ. Thuốc tiết qua sữa, trẻ bú vào trở nên lơ mơ, uể oải không bú.

Cũng có thể do trẻ bú bình trong những ngày đầu đã quen với đầu vú cao su mút sữa dễ dàng mà không quen vú mẹ. Do trẻ ngậm bắt vú không đúng. Do người mẹ phân vân, lo lắng cho con bú ít và trẻ bú ít lần. Do trẻ dị ứng với mùi lạ (chẳng hạn mẹ ăn tỏi hay xức nước hoa...). Cũng có khi do vú quá căng sữa, tia sữa xuống nhanh và mạnh khiến trẻ dễ bị sặc rồi sợ bú.

Nếu do trẻ bị sang chấn trong khi sinh, người mẹ cần thay đổi tư thế cho con bú, sao cho không chạm vào chỗ đau của trẻ. Cho trẻ bú ít một và nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ bị ngạt tắc mũi, cần vệ sinh, làm thông thoáng mũi trước khi bú và làm từ 3-5 lần/ngày. Có thể sử dụng dung dịch nhỏ mũi là nước muối sinh lý 0,9% làm loãng dịch mũi, chờ vài phút sau đó làm sạch mũi.

Đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả và an toàn, giúp làm mềm vẩy cứng; loãng dịch nhầy đóng nghẹt trong mũi đào thải ra ngoài làm thông thoáng mũi, giúp trẻ dễ thở. Hoặc có thể sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ. Mỗi lần trẻ bú, nếu sữa mẹ nhiều, để trẻ đỡ sợ và không bị sặc sữa, có thể dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa giữ vú ở thế gọng kìm để sữa chảy chậm lại.

Cho trẻ bú kiệt sữa một bên vú để trẻ có thể nhận được phần sữa cuối giàu chất béo. Trẻ lớn hơn, nếu nghi ngờ trẻ mọc răng đau không chịu bú, bà mẹ cần kiên nhẫn tiếp tục cho con bú.

Nếu quan sát thấy miệng trẻ có những mảng trắng đục như đậu phụ ở trong má, lưỡi và vòm miệng có thể trẻ bị tưa lưỡi. Cần lau miệng cho trẻ bằng khăn xô mềm thấm nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày hoặc dùng nước mật ong pha loãng, nước rau ngót lau miệng cho trẻ 3-4 lần/ngày. Nếu điều trị bằng các biện pháp trên mà biểu hiện tưa lưỡi của trẻ không bớt, có thể dùng Natribicarbonate 4,2%, dạng gói, mỗi ngày 3 lần rửa miệng cho trẻ, mỗi lần 1/2 gói pha loãng sau đó lau sạch lại bằng nước muối sinh lý 0,9%.

Các bà mẹ cần biết cách cho con ngậm bắt vú đúng, vắt sữa cho con ăn bằng cốc và thìa, không cho con bú bình vì nếu trẻ bú bình sẽ không bú mẹ nữa. Bên cạnh đó, nên lưu ý vệ sinh vú trước và sau khi cho con bú; cho trẻ bú bầu vú bên trái trước (trẻ mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, chuyển trẻ sang bú bầu vú bên phải (lúc này dạ dày trẻ đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái).

Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược. Sau khi bú xong, cần bế trẻ theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi.

Kiên trì cho trẻ bú mẹ khi bị ốm

Theo chuyên gia, nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng và có thể làm giảm nguy cơ loãng xương. Sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Tuy nhiên vì một lý do nào đấy, trẻ không chịu bú mẹ, khiến người mẹ băn khoăn lo lắng chuyển sang cho trẻ bú bình là điều rất sai lầm.

Trong trường hợp trẻ bị bệnh, bị đau thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho sức khỏe của trẻ, giúp trẻ có thể phục hồi nhanh hơn. Vì thế mẹ càng cần phải cố gắng để duy trì nguồn sữa mẹ. Những khi trẻ bệnh, mẹ đừng ngần ngại ôm ấp con, đừng vì lý do sợ con quen hơi mà mà hạn chế ôm con. Những lúc này trẻ càng cần hơn sự che chở và hơi ấm của mẹ. Song song với việc điều trị vấn đề bệnh của con mẹ hãy cố gắng cho con bú mẹ bất kỳ lúc nào có thể.

Khi bị bệnh trẻ có thể sẽ bú lắt nhắt nhiều cử hơn, cử bú có thể kéo dài hơn. Mặc dù thế mẹ cứ hãy duy trì theo nhu cầu của trẻ. Trường hợp trẻ bệnh không thể hợp tác bú trực tiếp mẹ hãy vắt sữa ra cho con uống sữa bằng thìa, bằng cốc. Việc vắt sữa vừa giúp cho bé vẫn uống được nguồn dinh dưỡng tốt nhất vừa giúp mẹ duy trì được nguồn sữa trong giai đoạn này.

Như vậy, không tự nhiên mà trẻ không chịu bú mẹ. Khi trẻ không chịu bú hoặc trẻ đột ngột không chịu bú mẹ nữa, mẹ hãy tìm xem nguyên nhân con đang gặp phải là gì để khắc phục và hỗ trợ con. Bỏ bú có thể gây khó chịu cho mẹ và con. Người mẹ có thể cảm thấy bị từ chối và cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, đó không phải là lỗi của mẹ. Trên hết, là mẹ phải kiên nhẫn vì điều này sẽ nhanh chóng trôi qua. Để ngăn ngừa căng sữa và duy trì nguồn sữa, mẹ hãy hút sữa thường xuyên như khi con từng bú mẹ.

Nếu tình trạng bỏ bú kéo dài hơn vài ngày, trẻ tiểu ít hơn bình thường hoặc mẹ lo lắng về việc bé khó bú sữa mẹ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề của bé.

Theo suckhoeodoisong.vn