1. Trầy xước giác mạc là gì?

Giác mạc là lớp thủy dịch trong suốt nằm ngoài cùng của nhãn cầu có vai trò như tấm chắn bảo vệ mắt. Trầy xước giác mạc là vết trầy trên bề mặt giác mạc do dị vật gây ra. Những dị vật như bụi, hạt cát, côn trùng… có thể bay vào mắt dính hoặc bám lại trên giác mạc gây trầy xước và ảnh hưởng đến thị lực nếu không được xử trí và điều trị kịp thời.

2. Dấu hiệu trầy xước giác mạc

Hầu hết các trường hợp nếu xuất hiện dị vật ở giác mạc, mắt có thể bị đỏ, đau và trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Thị lực có thể bị nhòe, khó quan sát tạm thời. Nếu dị vật gây trầy xước ở giác mạc, có thể người bệnh sẽ cảm thấy: Nóng ấm, kích ứng, đau, đỏ hoặc chảy nước mắt; Suy giảm thị lực Các cơ xung quanh mắt có thể bị co rút.

3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

  • Nếu là trẻ em: đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu thị lực trẻ bị suy giảm, có thể đau, đỏ hoặc chảy nước mắt.
  • Đối với người lớn: nếu không thể lấy dị vật ra khỏi mắt hoặc cảm thấy mắt bị cộm dù đã lấy được dị vật ra; thị lực suy giảm hoặc mờ, mắt bị chảy máu.

Tùy vào thực trạng bệnh bác sĩ sẽ hướng dẫn và đưa ra phương pháp xử lý kịp thời.

4. Nguyên nhân gây ra trầy xước giác mạc

Có nhiều nguyên nhân gây ra trầy xước giác mạc trong đó dị vật bay hoặc bám vào mắt là nguyên nhân chủ yếu.

Những dị vật nhỏ như: bụi, hạt cát bám lâu ở mí mắt có thể gây ra vết trầy ở giác mạc; Khói thuốc lá, Đeo kính áp tròng thường xuyên trong thời gian dài hay chà xát lên mắt hoặc mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời cũng có thể gây ra trầy xước giác mạc.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trầy xước giác mạc:

  • Đeo kính áp tròng thường xuyên.
  • Làm việc trong môi trường nhiều khói bụi: xưởng gỗ, xưởng dệt may… mà không có kính bảo hộ.
  • Sống ở nơi bị ô nhiễm, nhiều cát bụi.
  •  Va chạm do chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ gây tổn thương lên mắt

5. Xước giác mạc có hồi phục được không?

photo-1667471579316

Trầy xước giác mạc gây nhức và ảnh hưởng tầm nhìn.

Giác mạc bị trầy xước có hồi phục hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết xước, vị trí và nguyên nhân trầy xước … mới xác định được thời gian hồi phục cho mắt. Một số loại chấn thương gây xước giác mạc phổ biến:

  • Chấn thương bị rách giác mạc: là tổn thương nghiêm trọng nhất vì quá trình khâu giác mạc và điều trị tốn nhiều thời gian. Việc xử lý rách giác mạc nếu không thành công còn có thể dẫn đến hậu quả thị lực có thể mất vĩnh viễn.
  • Đối với chấn thương khiến mắt bị tổn thương: bầm mi mắt, hốc mắt, tụ máu, chảy máu trong mắt… tổn thương mắt: thể thủy tinh, thần kinh thị… cần được can thiệp ngay bằng cách sử dụng băng che mắt để cầm máu và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để điều trị.
  • Với chấn thương xuyên thủng: rách giác mạc, chảy máu nhiều cần phải cầm máu ngay bằng cách dùng kháng sinh nhỏ mắt như chloramphenicol, sau đó băng mắt lại và đến ngay bệnh viện mắt để được cấp cứu.

6. Điều trị trầy xước giác mạc

  • Dựa trên tình trạng tổn thương mắt và loại dị vật, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:
  • Thông thường, bác sĩ sẽ dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ có thành phần steroid hoặc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để giảm sưng, viêm và phòng ngừa sẹo giác mạc. 
  • Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt chống co thắt cơ để giảm đau và giảm kích ứng. 
  • Trường hợp dị vật trong mắt bị găm sâu có thể sẽ phải phẫu thuật.

7. Sơ cứu bệnh nhân bị trầy xước giác mạc

Xử trí khi bị trầy xước giác mạc - Ảnh 4.

Nên đeo kính râm để bảo vệ mắt.

Cần phải đi khám bác sĩ kịp thời đồng thời nên thực hiện ngay sau khi bị trầy xước giác mạc:

  • Lấy nước sạch hoặc nước muối sinh lý đổ đầy cốc sau đó chớp chớp mắt nhiều lần vào nước  trong cốc để dị vật trôi ra theo nước.
  • Nếu không có nước muối, có thể cho vòi nước ấm chảy qua mắt hoặc bắn nước vào mắt để loại bỏ những hạt bụi hoặc cát nhỏ.
  • Tuyệt đối tránh dụi mắt sau khi bị thương. Không đụng chạm hoặc ấn vào mắt vì có thể làm xước giác mạc nặng thêm.
  • Sau khi sơ cứu mắt đã đỡ cộm, tra ngay thuốc mỡ kháng sinh sau đó băng kín mắt lại.
  • Nếu tra thuốc mỡ, băng mắt mà không thấy dịu hơn cần phải đến viện khám.

8. Cách phòng tránh trầy xước giác mạc

  •  Nên đeo kính bảo hộ khi ở gần các loại máy: cưa gỗ, hàn, bình xịt cát nén…
  • Cắt ngắn móng tay nhất là trẻ nhỏ.
  • Cắt tỉa bớt những nhánh cây ở tầm thấp.
  • Thận trọng khi đeo kính áp tròng.
  • Nên đeo kính tránh khói bụi, côn trùng và ánh nắng trực tiếp chiếu vào mắt để bảo vệ mắt.
  • Thận trọng khi chơi các môn thể thao hàng ngày, tránh làm tổn thương vùng mắt.

Theo suckhoedoisong.vn