Các triệu chứng này khiến người nhiễm HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống, làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Lựa chọn thức ăn và phương pháp ăn uống phù hợp giúp người nhiễm HIV/AIDS khắc phục các triệu chứng trên.

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp liên quan đến ăn uống ở người nhiễm HIV/AIDS:

1. Tiêu chảy - triệu chứng liên quan ăn uống thường gặp ở người có HIV/AIDS

Tiêu chảy là khi đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn trong một ngày. Đây là tình trạng phổ biến hay gặp ở người nhiễm HIV/AIDS có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc do ăn phải thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Tiêu chảy có thể làm mất một lượng lớn nước và muối khoáng của cơ thể, gây nguy hiểm, nhất là ở trẻ nhỏ. Cần uống bổ sung oresol trong giai đoạn tiêu chảy để bổ sung nước và điện giải. Đối với người trưởng thành, bổ sung 10ml/kg thể trọng sau mỗi lần đi phân lỏng. Với trẻ nhỏ cần bổ sung từ 100 - 150ml/lần và từ 2 - 3 lần/ngày. 

Nếu không có oresol có thể sử dụng dung dịch muối đường với 1/2 thìa muối, 8 thìa đường trong 1 lít nước sạch hoặc nấu cháo muối đường với 1 nắm gạo, 8 thìa đường, 1 thìa muối và 6 bát nước.

Xử trí triệu chứng thường gặp liên quan đến ăn uống ở người HIV/AIDS- Ảnh 1.
 

Tiêu chảy khiến cơ thể mất nước và muối khoáng.

Người nhiễm HIV/AIDS cũng nên chú ý một số vấn đề sau trong ăn uống:

- Nên bổ sung các loại rau quả mềm giúp tăng lượng vitamin và chất khoáng trong chế độ ăn như cà rốt, bí đỏ, chuối, dưa hấu…

- Ăn thức ăn ở nhiệt độ ấm, không quá nóng hoặc quá lạnh để tránh gây kích thích cho hệ tiêu hóa.

- Hạn chế ăn các loại thực phẩm quá nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán. Nên hấp luộc, ninh mềm thực phẩm.

- Hạn chế các loại gia vị như ớt, tiêu...

2. Táo bón

Táo bón lâu ngày có thể khiến người nhiễm HIV/AIDS cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, đau bụng. Các chất cặn bã không được bài tiết gây viêm nhiễm đại tràng, nứt kẽ hậu môn khi cố gắng đi ngoài. 

Xử trí triệu chứng thường gặp liên quan đến ăn uống ở người HIV/AIDS- Ảnh 2.

Tăng cường rau xanh trong chế độ ăn giúp hạn chế tình trạng táo bón.

Để tránh mắc phải tình trạng này, người nhiễm HIV/AIDS cần chú ý một số vấn đề sau trong ăn uống:

- Tăng cường lượng rau xanh và quả chín để tăng hàm lượng chất xơ trong chế độ ăn.

- Lựa chọn các loại thực phẩm giúp nhuận tràng như rau khoai lang, khoai lang, rau đay, rau mồng tơi và một số loại quả như bưởi, thanh long, cam, xoài...

- Uống đủ lượng nước từ 2 - 2,5 lít/ngày.

- Hoạt động thể chất khoảng 30 phút mỗi ngày như đi bộ giúp kích thích nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.

3. Buồn nôn và nôn

Khi gặp tình trạng buồn nôn và nôn trong ăn uống, người nhiễm HIV/AIDS có thể áp dụng một số mẹo sau: 

- Ăn các loại thức ăn như bánh mì, bánh bích quy và các loại ngũ cốc; 

- Hạn chế các loại thức ăn quá nhiều dầu mỡ và quá nhiều gia vị nồng như cà ri, ngũ vị hương...; 

- Uống các loại nước canh nóng, trà gừng giúp giảm các giác buồn nôn; 

- Chú ý tư thế nên ngồi khi ăn và không nằm ngay sau khi ăn.

Tuy nhiên nếu tình trạng buồn nôn của người nhiễm HIV/AIDS quá nặng thì cần tham vấn ý kiến của các bác sĩ và nhân viên y tế, có thể sử dụng một số loại thuốc giúp giảm cảm giác buồn nôn.

Xử trí triệu chứng thường gặp liên quan đến ăn uống ở người HIV/AIDS- Ảnh 3.

Thay đổi vị giác khiến người nhiễm HIV/AIDS chán ăn.

4. Thay đổi vị giác

Do tác dụng phụ của thuốc điều trị, người nhiễm HIV/AIDS có thể cảm thấy mùi vị thức ăn thay đổi như có vị kim loại hoặc mặn hơn, đắng hơn... so với bình thường. Vì vậy người bệnh nên thử thay đổi các loại thức ăn khác và tìm thức ăn phù hợp với vị giác của mình hơn như: Thử ngậm một chút kẹo có vị bạc hà, chanh hoặc gừng trước khi ăn. Những hương vị này có thể giúp làm giảm cảm giác đắng hoặc có vị kim loại trong miệng.

5. Đau miệng, họng

Do hệ miễn dịch bị suy giảm, người nhiễm HIV/AIDS có thể gặp phải tình trạng nhiệt miệng, đau răng lợi và nhiễm nấm gây đau miệng, đau họng khi ăn uống. Người nhiễm HIV/AIDS cần chú ý vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối hàng ngày.

Nấu các món ăn mềm nhừ, nghiền nát hoặc xay nhuyễn giúp nhai nuốt dễ dàng hơn. Ăn các loại thức ăn mềm như súp, cháo, chè, bánh flan, thanh long, chuối, sữa chua, bí đỏ…

Hạn chế các loại thực phẩm cay nóng như ớt, thực phẩm quá chua như chanh, dấm...

Tránh các loại thực phẩm cứng và có nhiều chất xơ gây khó nhai nuốt như măng, lạc...

Xử trí triệu chứng thường gặp liên quan đến ăn uống ở người HIV/AIDS- Ảnh 5.

Lựa chọn các món ăn mềm nhừ giúp giảm đau khi nhai nuốt.

 Áp dụng cách lựa chọn thực phẩm phù hợp và thay đổi một số thói quen trong ăn uống sẽ giúp người nhiễm HIV/AIDS hạn chế các triệu chứng của bệnh. Một chế độ ăn hợp lí với đầy đủ dinh dưỡng giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, nâng cao miễn dịch cho người nhiễm HIV/AIDS.

Theo suckhoedoisong.vn