Xuất huyết dịch kính có thể ngay lập tức che lấp những tổn thương của các bộ phận khác. Sau đó, chính bản thân máu nằm lâu trong dịch kính có thể trở thành tác nhân của các biến chứng khác, khi nó hình thành cục máu hay tổ chức hóa dịch kính như: bong võng mạc, nhiễm sắt, viêm màng bồ đào…

Xuất huyết dịch kính, gây giảm thị lực cấp và bán cấp. Ảnh minh họa

Xuất huyết dịch kính, gây giảm thị lực cấp và bán cấp. Ảnh minh họa.

Thành phần của dịch kính có tới 99% là nước, 1 % còn lại là acid hyaluronic thành phần mang lại tính trong suốt và độ nhày cho dịch kính. Dịch kính ở phía sau được bao bọc bởi màng giới hạn trong, ở phía trước có là màng không sắc tố bám vào mặt sau của thể thủy tinh và dây zin. 

Khoang dịch kính chiếm 80% thể tích nhãn cầu (khoảng 4ml). Dịch kính bám chắc vào võng mạc ở 3 vùng: nền dịch kính, gai thị và các mạch máu võng mạc.

Nguyên nhân gây xuất huyết dịch kính

Có 3 nhóm nguyên nhân chính.

- Chảy máu do mạch máu bất thường: Do bất thường mạch máu xảy ra trong bệnh võng mạc tiểu đường, thiếu máu võng mạc, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP). Các yếu tố sinh xơ, dịch kính bệnh lý cũng gây co kéo vào các mạch máu vốn đã non yếu, gây xuất huyết dịch kính.
- Chảy máu do sang chấn trên cơ địa mạch máu bình thường. Đứt vỡ các mạch máu vốn bình thường, mạch máu bị vỡ bởi các co kéo vật lý đủ mạnh để phá vỡ cấu trúc bình thường của nó. Bong dịch kính sau, các co kéo của dịch kính lên thành mạch máu, nhất là trên những vùng có gắn kết chặt có thể gây chảy máu. Ngoài mạch máu vỡ thì dịch kính cũng có thể bong theo hoặc không.
- Chảy máu từ các khoang lân cận dịch kính: Bệnh lý của các mô lân cận có thể gây xuất huyết dịch kính. Máu có thể đến từ các vi phình mạch, các khối u, tân mạch của hắc mạc… Máu phá vỡ màng giới hạn trong và tràn vào khoang dịch kính.
- Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:

  • Các loại u nội nhãn như: u hắc tố, u nguyên bào võng mạc, polyp hắc mạc.
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường.
  • Thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể ướt. 
  • Một số bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mắt trẻ em như: bệnh Coats, ROP, u mao mạch võng mạc, bệnh Eales,…

Triệu chứng xuất huyết dịch kính

Các triệu chứng của xuất huyết dịch kính không gây đau đớn và rất đa dạng:

- Cảm giác có vật trôi nổi, giảm thị lực.

  • Bệnh nhân mô tả như ruồi bay, như mạng nhện, cảm giác như sương mù, như có màng chắn hay nhìn có quầng đỏ…
  • Cần tra giãn đồng tử tốt và soi kỹ đáy mắt cả 2 bên:

+ Soi ánh đồng tử nhìn thấy dịch kính đục, nhiều mảng máu di chuyển trong dịch kính.

Xuất huyết dịch kính có đáng lo ngại?- Ảnh 3.

Soi ánh đồng tử nhìn thấy dịch kính đục, nhiều mảng máu di chuyển trong dịch kính.

+ Nếu sau chấn thương, thường có những tổn thương của bán phần trước phối hợp và là yếu tố tiên lượng xấu. Những tổn thương có thể là xuất huyết tiền phòng kèm theo, đục lệch thủy tinh thể, tổn thương mống mắt…

+ Khi soi được phía sau ta nhìn thấy có máu tươi trong dịch kính với mức độ thay đổi tùy theo mức độ xuất huyết dịch kính.

+ Khi xuất huyết vừa phải có thể soi được đáy mắt ở chu biên, máu thường lắng xuống dưới do tư thế. Soi đáy mắt với máy soi hình đảo ngược là rất tốt có khả năng soi được đáy mắt khi môi trường đục.

- Có thể có RAPD nhẹ, ngoài ra còn có các dấu hiệu khác tùy vào nguyên nhân xuất huyết.

- Nhãn áp: Cần theo dõi nhãn áp của tất cả các trường hợp xuất huyết dịch kính, nhiều trường hợp có nhãn áp tăng.

Các biến chứng có thể xảy ra khi xuất huyết dịch kính

Máu xâm nhập vào dịch kính lâu ngày không tiêu có thể gây ra nhiều biến chứng cho bản thân dịch kính, cho võng mạc, cho các tổ chức lân cận khác của mắt... Các biến chứng có thể kể là:

  • Tăng nhãn áp: Tăng nhãn áp sau xuất huyết dịch kính do nhiều lý do, có thể là tăng nhãn áp do tế bào ma (ghost cells), do tắc nghẽn vùng bè do quá trình tiêu máu, do hiện tượng nhiễm kim loại.
  • Nhiễm sắt nhãn cầu. Sắt từ giáng hóa các sản phẩm của máu có thể gây ra một loạt biến chứng như nhiễm độc võng mạc, nhiễm sắt thể thủy tinh và giác mạc.
  • Bệnh tăng sinh võng mạc
  • Glôcom tế bào ma, do ly giải sản phẩm máu
  • Viêm màng bồ đào
  • Nhiễm kim loại: Biểu hiện sớm bằng hiện tượng tăng quá ngưỡng của điện võng mạc. Vào giai đoạn muộn điện võng mạc bị tiêu hủy hoàn toàn.
  • Tổn thương hoàng điểm
  • Tổ chức hóa dịch kính, là hậu quả của sự cô đặc, kết tảng collagen sự tăng sinh tế bào xơ.
  • Bong võng mạc.
  • Đục thể thủy tinh
Các phương pháp điều trị

Khi điều trị xuất huyết dịch kính phải điều trị nguyên nhân gây chảy máu và điều trị triệu chứng. Điều trị triệu chứng bao gồm các biện pháp dừng chảy máu, tiêu máu, điều trị chống biến chứng.

Điều trị triệu chứng là cần thiết và thực sự rất quan trọng.

- Điều trị bằng thuốc

+ Ngừng chảy máu tiếp: Là biện pháp nằm nghỉ ngơi đầu cao, giảm vận động của mắt bằng băng bất động nhãn cầu và kết hợp sử dụng các thuốc cầm máu như tiêm vitamin K, uống vitamin C, routine c, tam thất bột (ngày 10g), …

+ Biện pháp tiêu máu: Uống nước nhiều, nằm đầu cao giúp cho tư thế thuận lợi để tiêu máu.

- Phẫu thuật:

+ Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nhằm loại trừ máu và xử lí các tổn thương của dịch kính và võng mạc.

+ Dùng siêu âm để cắt đoạn dịch kính tổ chức đục và rút ra khỏi mắt bằng dụng cụ qua pars plana. Nhược điểm chỉ có thể lấy được những tổ chức máu mềm không có khả năng tổ chức hóa.

Phẫu thuật cắt dịch kính nên được tiến hành ngay nếu đi kèm bong võng mạc. Điều trị ngoại trú nếu không có bong võng mạc. Cắt dịch kính được chỉ định khi máu dịch kính không thể tiêu biến tự nhiên, có tân mạch mống mắt hay xuất hiện glôcôm tế bào ma. Thời điểm chỉ định cắt dịch kính phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây xuất huyết dịch kính.

Theo suckhoedoisong.vn