leftcenterrightdel
Hình ảnh xuất huyết dưới da đa hình thái, đa lứa tuổi ở bệnh nhi. Ảnh: Tuấn Minh 

Trẻ vài ngày tuổi đã mắc xuất huyết giảm tiểu cầu

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng tiếp nhận bệnh nhi 45 ngày tuổi trong tình trạng xuất huyết da niêm toàn thân.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu mức độ nặng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn quyết định truyền tiểu cầu và điều trị đặc hiệu theo phác đồ. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhi đáp ứng tốt, số lượng tiểu cầu tăng lên ngưỡng an toàn, được xuất viện và tái khám định kỳ theo lịch hẹn bác sĩ.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cũng từng tiếp nhận bệnh nhi 2 tháng tuổi, trú tại Vĩnh Long đến khám vì những chấm xuất huyết rải rác toàn thân, đặc biệt ở lòng bàn chân.

Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cho thấy, số lượng tiểu cầu giảm còn 3.900/mm3 (bình thường là 150.000 - 400.000/mm3).

Các bác sĩ nhận định, đây là trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch mức độ nặng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Giảm tiểu cầu miễn dịch là một bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bầm tím và chảy máu, nghiêm trọng hơn là xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - khoa Nhi - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết: Giảm tiểu cầu miễn dịch là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch sản xuất ra các kháng thể làm phá hủy tiểu cầu. Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu tiên phát là tình trạng tiểu cầu trong máu ngoại vi bị phá huỷ ở hệ liên võng nội mô do sự có mặt của tự kháng thể kháng tiểu cầu. Nói cách khác, bệnh là sự nhầm lẫn của hệ thống miễn dịch, gây tình trạng phá huỷ tiểu cầu do các kháng thể được sinh ra từ chính cơ thể bệnh nhân.

Một số yếu tố nguy cơ khởi phát xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ nhỏ như độ tuổi trung bình thường là dưới 5; Có tiền sử rối loạn miễn dịch/tự miễn khác: Lupus ban đỏ hệ thống; Tiền sử tiêm vaccine và sử dụng thuốc trong thời gian 2 tuần…

Bệnh thường với biểu hiện xuất huyết, chủ yếu xuất huyết dưới da, niêm mạc tự nhiên hoặc sau sang chấn, va đập; đa hình thái, đa lứa tuổi (các vết máu tụ có nhiều kích thước khác nhau, nhiều màu sắc tuỳ vào thời gian xuất huyết mới hay đã cũ và thoái biến).

Ngoài ra, nguy hiểm hơn có thể gặp xuất huyết ở nội tạng như xuất huyết tiêu hoá khi trẻ nôn ra máu, đi ngoài phân đen…; xuất huyết tử cung gây kéo dài kỳ kinh nguyệt ở trẻ lớn; xuất huyết đường tiết niệu gây đi tiểu ra máu; xuất huyết các khối cơ sâu gây ổ máu tụ; xuất huyết não - màng não gây ra rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn, các biểu hiện thần kinh khu trú…

Bệnh ban đầu chỉ gây nên những triệu chứng không nghiêm trọng nên thường bị cha mẹ của trẻ bỏ qua. Tuy nhiên khi ở mức độ nặng, trẻ có thể sẽ bị xuất huyết ngay cả khi không có va chạm hoặc va chạm rất nhẹ. Trong cơ thể trẻ cũng sẽ xuất hiện tình trạng xuất huyết đường tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục, nguy hiểm nhất là xuất huyết não vô cùng nguy hiểm. Đa phần bé bị xuất huyết giảm tiểu cầu có thể tự khỏi và ít bị tái lại nhưng khi có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh, cha mẹ cũng nên cho trẻ đi khám và điều trị tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn có lời khuyên, nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi phòng ngừa nhiễm trùng; Chế độ ăn ít muối, ít đường vì thuốc điều trị bệnh có tác dụng phụ tăng huyết áp, đái tháo đường; bổ sung canxi để đảm bảo phát triển về xương...

Theo nhiều thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cứ 100.000 trẻ em thì có 2,2 - 5,3 trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch và cứ 100.000 người lớn thì có 3,3 người mắc bệnh này mỗi năm.

Theo laodong