Trải qua 20 ngày kể từ khi Hamas mở cuộc tấn công vào Israel, trẻ em ở Dải Gaza và cả trẻ em Israel đã và đang trải qua những chấn thương tâm lý chưa từng có khi phải chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn, tiếng bom đạn, chết chóc tang thương, bị mất đi người thân. Theo một bác sĩ tâm thần người Palestine, trẻ em ở Gaza đang phát triển các triệu chứng chấn thương tâm lý nghiêm trọng bên cạnh nguy cơ tử vong và bị thương.

2 trẻ em Palestine tị nạn tại một trường học của UNRWA đang khóc sau khi trải qua một cuộc không kích của Israel - Nguồn ảnh: Getty Images
2 trẻ em Palestine tị nạn tại một trường học của UNRWA đang khóc sau khi trải qua một cuộc không kích của Israel - Nguồn ảnh: Getty Images

 Hôm 23/10, Bộ Y tế Palestine cho biết: Hơn 2.000 trẻ em đã thiệt mạng trong 17 ngày bị lực lượng Israel ném bom, tức trung bình gần 110 trẻ em thiệt mạng mỗi ngày. Fadel Abu Heen - một bác sĩ tâm thần ở Gaza - cho biết tác động tâm lý của cuộc chiến đối với trẻ em đang thể hiện rõ. Trẻ em bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như co giật, đái dầm, sợ hãi, có hành vi hung hăng, lo lắng và không chịu rời xa cha mẹ.

“Việc thiếu an toàn đã tạo ra cảm giác sợ hãi và kinh hoàng chung trong toàn bộ người dân và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một số em bắt đầu có những biểu hiện hoảng loạn. Những đứa trẻ này cần được can thiệp ngay lập tức. Đáng lo nhất là những đứa trẻ đang giữ nỗi kinh hoàng và tổn thương trong lòng. Chúng gần như không còn phản ứng gì nữa” - ông nói.

Khoảng một nửa trong số 2,3 triệu dân của Gaza là trẻ em. Những ngày qua, chúng gần như phải sống dưới sự bắn phá liên tục. Nhiều người phải tránh trong những nơi trú ẩn tạm thời bên trong các trường học do Liên hiệp quốc (LHQ) điều hành sau khi phải rời bỏ nhà cửa mà không có đủ thức ăn hoặc nước sạch.

Tahreer Tabash - một bà mẹ có 6 đứa con đang trú ẩn trong một trường học - cho biết: “Khi màn đêm buông xuống, bọn trẻ bắt đầu sợ hãi, la khóc và đi tiểu một cách vô thức". Theo Zachi Grossman - Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Israel - trẻ em Israel cũng có dấu hiệu chấn thương ngày càng tăng kể từ ngày 7/10.

“Chúng ta đang chứng kiến một cơn sóng thần về các triệu chứng lo âu ở trẻ em và vấn đề này đang không được giải quyết thỏa đáng. Khoảng 90% trẻ em đến bệnh viện nhi đều điều trị về sự lo lắng. Nhiều người đang phải chịu đựng sự sợ hãi hằn sâu trong tâm trí và đó chắc chắn là điều chúng ta chưa từng thấy trong quá khứ” - Grossman nói.

Tại Dải Gaza, một đứa trẻ 15 tuổi phải trải qua 5 giai đoạn bị oanh tạc dữ dội trong đời. Đó là giai đoạn 2008-2009, xung đột năm 2012, chiến dịch mùa hè năm 2014, đợt không kích năm 2021 và cuộc xung đột đang diễn ra. Các nghiên cứu được thực hiện sau các cuộc xung đột trước đó cho thấy phần lớn trẻ em ở Gaza có các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Sau xung đột xảy ra hồi năm 2012, UNICEF - Quỹ cứu trợ trẻ em của LHQ - phát hiện ra rằng 82% trẻ em ở đây liên tục hoặc thường xuyên lo sợ về cái chết sắp xảy ra. UNICEF còn báo cáo thêm, 91% trẻ em cho biết bị rối loạn giấc ngủ trong cuộc xung đột; 94% muốn ngủ với cha mẹ; 85% bị thay đổi khẩu vị; 82% cảm thấy tức giận; 97% cảm thấy bất an; 38% cảm thấy tội lỗi; 47% cắn móng tay; 76% cho biết bị ngứa hoặc cảm thấy khó chịu.

Hasan Zeyada - nhà tâm lý học thuộc Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông của LHQ (UNRWA) - cho biết: “Sau mỗi đợt oanh tạc, phần lớn trẻ em phải chịu nhiều hậu quả về tâm lý và xã hội. Sự bất an và cảm giác bất lực tràn ngập. Chúng tôi quan sát thấy trẻ em lo lắng hơn, bị rối loạn giấc ngủ, gặp ác mộng, kinh hãi ban đêm, đái dầm, bồn chồn và hiếu động hơn, bám lấy cha mẹ, bị choáng ngợp bởi nỗi sợ hãi và lo lắng. Một số bắt đầu hung hăng hơn".

Các chuyên gia cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến các triệu chứng tâm lý, chẳng hạn như sốt cao không lý do hoặc phát ban trên cơ thể. Một báo cáo của Save the Children - một tổ chức cứu trợ trẻ em - năm 2022 về tác động của 15 năm phong tỏa và xung đột lặp đi lặp lại đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em ở Gaza cho thấy: sức khỏe tâm lý xã hội của trẻ em đã “suy giảm đến mức báo động”.

Những đứa trẻ này luôn nói về nỗi sợ hãi, căng thẳng, lo âu, tức giận. Chúng cũng liệt kê các vấn đề gia đình, bạo lực, cái chết, ác mộng, nghèo đói, chiến tranh, phong tỏa... là những điều “ghét nhất trong đời”. Báo cáo dẫn lời Tổng thư ký LHQ - António Guterres - mô tả cuộc sống của trẻ em ở Gaza là “địa ngục trần gian”. 

Theo phụ nữ TPHCM