Đối với y tá Anshu, việc được chọn tham gia một chương trình việc làm ở Anh là sự ghi nhận lâu dài cho những năm tháng học tập và làm việc của cô, đồng thời là cơ hội để tăng thu nhập.
|
|
Các nhân viên y tế làm việc tại khu vực tiếp tân của bệnh viện Trung tâm Chấn thương quốc gia ở thủ đô Kathmandu, Nepal - Ảnh: AFP |
“Cuối cùng, tôi cảm thấy công việc của mình được đánh giá cao”, cô gái 28 tuổi cho biết. Cô hy vọng mức lương hàng tháng hiện tại là 26.000 rupee Nepal (khoảng 196 USD) tại một bệnh viện tư ở Nepal sẽ tăng lên gấp 10 lần khi cô đến Anh.
Nhưng giữa lúc Anshu và hàng chục y tá khác chuẩn bị rời đi, chương trình thí điểm song phương của chính phủ mà theo đó, họ được tuyển dụng đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu y tá trầm trọng ở quốc gia Nam Á.
Mặc dù chỉ có 43 y tá tham gia chương trình thí điểm, một quan chức tại Bộ Việc làm Nước ngoài (DoFE) của Nepal cho biết giai đoạn thứ hai đã được lên kế hoạch và tổng cộng phía Anh muốn tuyển dụng 10.000 y tá người Nepal.
Mặc dù kế hoạch sẽ giúp Anh thu hẹp sự thiếu hụt lao động của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), nó được cho là có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế ở Nepal.
Hira Kumari Niraula, giám đốc Bộ phận Điều dưỡng và an sinh xã hội (NSSD), một cơ quan chính phủ liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ y tế công cộng, cho biết: “Tình hình hiện rất đáng lo ngại”.
Theo NSSD, Nepal hiện có chưa đến 1/2 trong số 45.000 y tá cần thiết để làm việc tại các bệnh viện, phòng khám nông thôn và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác của đất nước.
Đây là 1 trong 55 quốc gia thuộc danh sách đỏ của Tổ chức Y tế Thế giới về tình trạng thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng.
“Chúng tôi đang trong tình trạng thiếu hụt nhưng chính phủ đang khuyến khích y tá di cư. Vậy thì ai sẽ ở lại Nepal?”, bà Niraula nhận xét.
|
|
Y tá trưởng Rambha Sharma (bìa phải) xem xét tình trạng các bệnh nhân tại Bệnh viện Kohalpur ở huyện Banke, Nepal - Ảnh: AFP |
Từ Philippines đến Zimbabwe, nhiều quốc gia đứng trước mối lo ngại ngày càng gia tăng về việc mất đi nhân viên y tế có trình độ. Lý do vì họ bị thu hút bởi mức lương cao hơn trong các công việc chăm sóc sức khỏe ở những quốc gia giàu có như Anh, Úc, Canada và Mỹ.
Ở Nepal, hơn 1/3 trong số 115.900 y tá đăng ký với Hội đồng Điều dưỡng Nepal đã xin giấy phép hành nghề ở nước ngoài. Khoảng một nửa số y tá “xuất ngoại” của Nepal chọn đến Mỹ, phần lớn còn lại chọn Úc hoặc Dubai.
Vấn đề nằm ở việc Nepal không thể cung cấp công việc lâu dài, ổn định cho nhân viên y tế của mình.
Chính phủ chỉ phân bổ khoảng 4% tổng ngân sách cho ngành y tế. Nguồn tài chính hạn chế đồng nghĩa với việc những vị trí được trả lương cao hơn ở nước ngoài đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với nhiều y tá.
Mệt mỏi vì những yêu cầu về điều kiện làm việc và lương thấp, Grishma Basnet (25 tuổi) - y tá phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tại một bệnh viện tư nhân ở thủ đô Kathmandu - đã nộp đơn xin làm việc tại Mỹ và đang chờ tin tức về nơi cô sẽ đến. Basnet nói: “Tại sao tôi phải ở lại đất nước này? Tôi không có tương lai ở đây”.
Theo phụ nữ TPHCM