Y tế công cộng Đông Nam Á căng thẳng vì áp lực tăng
Cập nhật lúc 10:50, Thứ sáu, 15/11/2024 (GMT+7)
Tại Đông Nam Á, các hệ thống y tế công cộng đang ngày càng trở nên căng thẳng vì nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực… trong khi số lượng bệnh nhân tăng cao.
Nhiều khó khăn
Sau nhiều năm làm việc tại một bệnh viện công ở miền đông Thái Lan, y tá Fah vẫn chưa được tăng lương. Trong khi số lượng bệnh nhân đến bệnh viện thì mỗi ngày một tăng. Fah chia sẻ: “Bệnh nhân tăng chóng mặt, chi phí sinh hoạt cũng tăng cao nhưng mức lương của tôi vẫn không thay đổi. Đây không phải là nơi lý tưởng để làm việc”. Theo cô, chế độ luân chuyển nhân viên không giúp ích được gì, những y tá mới ra trường chọn nghỉ việc chỉ sau vài năm để đến các bệnh viện tư có mức lương cao hơn. Thái Lan được công nhận là quốc gia có mô hình chăm sóc sức khỏe hiệu quả và thành công tại Đông Nam Á. Theo Báo cáo chỉ số an ninh toàn cầu năm 2021, Thái Lan được xếp hạng 5 thế giới về an ninh y tế. Do đó, vấn đề ở Thái Lan cũng phản ánh cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe rộng lớn hơn mà Đông Nam Á đang phải đối mặt.
Trong nhiều thập niên qua, chăm sóc sức khỏe toàn dân đã trở thành nền tảng của ngành y tế Đông Nam Á. Chính sách bảo hiểm y tế toàn dân của Việt Nam đã trở thành chỗ dựa quan trọng cho người dân. Chương trình “chăm sóc sức khỏe 30 baht” của Thái Lan được đưa ra vào năm 2002, giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện cho người nghèo. Indonesia đã triển khai bảo hiểm y tế quốc gia vào năm 2014. Philippines cũng ban hành luật chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2019. Tại Singapore - quốc gia giàu nhất của khu vực - chi tiêu cho y tế dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm 2024 so với thập niên trước do tình trạng xã hội già hóa. Malaysia vẫn duy trì mức phí tượng trưng là 1 ringgit cho mỗi lần khám bệnh tại bệnh viện công.
Trên khắp Đông Nam Á, các cơ quan quản lý y tế đầu ngành đều hiểu rằng cần phải bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe trước những thách thức ngày càng gia tăng. Khu vực y tế tư nhân luôn sẵn sàng nhưng vấn đề đối với người dân là chi phí khám chữa bệnh rất cao trong khi thu nhập của họ không thể đáp ứng.
Tập trung chăm sóc cơ bản và ứng dụng AI
Trong một hội thảo vào tháng 12/2023, Tổng thư ký Văn phòng An ninh y tế quốc gia Thái Lan (NHSO) - tiến sĩ Jadej Thammatacharae - nhấn mạnh yêu cầu tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe chung toàn dân của ngành y tế công cộng. Ông nhận định: “Chúng ta cần cải tổ chiến lược và cách tiếp cận, giúp chăm sóc sức khỏe ban đầu trở nên chủ động hơn, có sự tham gia từ nhiều phía và lấy cộng đồng làm trung tâm”. NHSO đã triển khai dịch vụ tư vấn y tế từ xa vào đầu năm 2024, cho phép công dân sống ở nước ngoài tham khảo ý kiến bác sĩ đa khoa tại Thái Lan mà không phải chịu thêm chi phí. NHSO cũng thúc đẩy việc tự chăm sóc, tự xét nghiệm và tự lấy mẫu của bệnh nhân - một cách tiếp cận đã được chứng minh tính hiệu quả trong đại dịch COVID-19.
Tại Singapore, ngân sách y tế công cộng cho năm 2024 tăng vọt lên gần 14,4 tỉ USD - gấp đôi so với 1 thập niên trước. Hệ thống y tế của Singapore dựa vào các khoản khấu trừ lương tự động thông qua chương trình Medisave. Đối với những người có khả năng chi trả, các khoản bảo hiểm tùy chọn bổ sung sẽ cung cấp phạm vi điều trị rộng hơn, trong khi trợ cấp của chính phủ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người cơ nhỡ. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho rằng, trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế chi phí: thông qua việc sử dụng robot chẩn đoán, các rủi ro về sức khỏe sẽ được xác định sớm hơn, quá trình kê đơn thuốc nhanh hơn và bệnh nhân được hướng dẫn lối sống lành mạnh hơn. Lance Little - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Roche Diagnostics (Thụy Sĩ) - nhận định: “Bằng cách tăng đầu tư vào các hệ thống y tế tích hợp và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, các quốc gia có thể đảm bảo thông tin sức khỏe của từng bệnh nhân và tăng năng suất của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế”.
Theo phụ nữ TPHCM