Một số yếu tố liên quan đến viêm lợi

Viêm lợi là vấn đề thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Nhiều yếu tố liên quan đến tình trạng viêm lợi như: chải răng quá mạnh, chế độ ăn uống, tác dụng phụ của thuốc, thay đổi hormone trong thai kì, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá…nhưng nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là vi khuẩn có trong mảng bám cao răng.

Việc chải răng đúng cách thực sự không khó nhưng nhiều người do thói quen, sự vội vàng nên việc chải răng chưa kỹ, không đúng kỹ thuật nên dễ dẫn đến tình trạng viêm lợi.

Bên cạnh đó, việc làm sạch các kẽ răng bằng chỉ nha khoa còn bị xem nhẹ hiện khá nhiều người vẫn dùng tăm xỉa răng dẫn đến tổn thương lợi, rộng kẽ răng… cũng là yếu tố thuận lợi bệnh tiến triển viêm lợi.

Các yếu tố trên còn dẫn đến sự hình thành mảng bám răng là không tránh khỏi. Khi đó sẽ xuất hiện vôi răng sẽ bám chặt trên thân răng, khe nướu và 70% trọng lượng vôi răng là vi khuẩn. Tại đây, các vi khuẩn sẽ viêm nhiễm tại chân răng và viêm lợi.

Yếu tố liên quan đến viêm lợi và hệ lụy - Ảnh 1.

Viêm lợi mà không điều trị trong một thời gian dài trở thành bệnh nha chu

Hệ lụy của viêm lợi

Viêm lợi mà không điều trị trong một thời gian dài tiến triển thành bệnh nha chu. Khi bệnh trở nặng sẽ làm răng bị lung lay và có thể dẫn đến mất răng. Trên thực tế cho thấy bệnh nha chu và sức khỏe răng miệng kém nói chung cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể .

Nghiên cứu cho thấy có sự liên kết bệnh nha chu làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc bệnh phổi. Những phụ nữ bị bệnh viêm nha chu có thể có khả năng sinh non hoặc trẻ sơ sinh có cân nặng lúc sinh thấp hơn là phụ nữ với không mắc bệnh răng miệng và bệnh răng miệng hoàn toàn khỏe mạnh.

Các ghi nhận còn thấy tình trạng viêm lợi còn có thể gây áp xe răng, đây là một dạng biến chứng khá nguy hiểm. Khi bệnh viêm lợi không được điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ khiến cho chân răng bị nhiễm trùng và hình thành nên ổ áp xe. Các triệu chứng điển hình của áp xe răng là sưng mặt, đau nhức dữ dội, thân nhiệt tăng cao…

Không chỉ vậy, viêm lợi còn là nguyên nhân gây ra những hệ lụy nguy hiểm sau: ảnh hưởng tới xương, cấu trúc răng, áp xe răng, ung thư răng và viêm tủy.

Ngoài ra, viêm lợi không được chữa trị dứt điểm sẽ góp phần tạo ra môi trường thuận lợi sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư răng miệng.

Yếu tố liên quan đến viêm lợi và hệ lụy - Ảnh 2.

Không được điều trị viêm lợi có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho người bệnh.

Giải thích về vấn đề này các nhà nghiên cứu cho thấy viêm lợi ảnh hưởng đến xương và cấu trúc răng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bởi vi khuẩn gây bệnh sẽ tiếp tục phát triển và lan rộng tới các bộ phận xung quanh như răng, xương hàm…

Đặc biệt, vi khuẩn có thể phá hủy cấu trúc xương hàm, ảnh hưởng đến sự ổn định của răng. Khi đó, chức năng ăn nhai của hàm răng bị suy giảm rõ rệt. Người bệnh viêm lợi còn phải đối mặt với những cơn đau nhức dữ dội, kéo dài trong nhiều ngày và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày.

Mặc dù các nhà khoa học cho rằng về vấn đề này cần thêm nghiên cứu, tuy nhiên, mối liên hệ giữa bệnh viêm lợi nói riêng và bệnh răng miệng nói chung khiến cho chúng ta cần chăm sóc răng miệng đúng cách.

Tóm lại: Viêm lợi nói riêng cũng như bệnh răng miệng chung có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời. Theo Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, có tới 90% người dân mắc các bệnh về răng miệng, vì vậy khi tới cơ sở y tế các bác sĩ thường phải điều trị khi bệnh đã trầm trọng như: cao răng, sâu răng, răng lung lay, mất răng, nang răng phá hủy xương hàm…

Đa số mọi người cho rằng việc đánh răng 2-3 lần/ngày là sạch và giúp răng chắc khỏe, tuy nhiên đó chỉ là biện pháp cơ bản để làm sạch răng.

Việc khám răng định kỳ là việc làm cần thiết giúp cập nhật sức khỏe răng miệng một cách chính xác nhất. Đồng thời, việc này cũng giúp phát hiện sớm nhiều bệnh răng miệng nguy hiểm và có chế độ chăm sóc răng miệng tốt hơn.

Thời gian khám răng miệng còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân nhưng nên đi kiểm tra ít nhất 6 tháng 1 lần. Những người có nguy cơ lớn hơn về các bệnh răng miệng như hút thuốc lá, phụ nữ mang thai, bệnh nhân tiểu đường… nên đến nha khoa để kiểm tra thường xuyên hơn.

Theo suckhoedoisong.vn