Theo Tổ chức Đột quỵ thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân đứng đầu gây tàn phế. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ và cứ mỗi 6 giây có 1 người chết vì đột quỵ.

Số liệu năm 2022 của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, cứ 4 người sẽ có 1 người bị đột quỵ trong tương lai. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi được, điều này có nghĩa là việc hiểu biết để phòng bệnh là vô cùng quan trọng.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ là gì?

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, trong đó có một số yếu tố không thể thay đổi được đó là tuổi tác, giới tính, tiền sử đã từng đột quỵ, vấn đề gia đình đã từng có người thân bị đột quỵ…

Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

Dưới đây là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

Thói quen không lành mạnh là yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Có nhiều thói quen không lành mạnh có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ như: lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá, lười vận động,…

Yếu tố nguy cơ đột quỵ nào có thể thay đổi?- Ảnh 1.

Mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch sẽ nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

- Lạm dụng bia rượu

Các nghiên cứu cho thấy khi uống nhiều bia rượu sẽ tác động xấu đến huyết áp, gây ra các bệnh lý về thần kinh, tim mạch, xơ gan, ung thư gan… Đặc biệt, người thường xuyên sử dụng rượu bia có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn so với người không sử dụng rượu bia. Bởi bia rượu tác động xấu lên hệ tim mạch, tim người uống rượu bia quá nhiều có thể bị giãn nở to hơn tim người bình thường, song kém chức năng (bệnh cơ tim giãn nở), khả năng bơm máu kém dễ gây ra đột quỵ.

Vì vậy, việc thay đổi thói quen hạn chế bia rượu, uống có chừng mực sẽ phòng tránh được đột quỵ, giảm được nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

- Hút thuốc lá

Thói quen hút thuốc lá quen thuộc với nhiều nam giới ở Việt Nam. Tác hại của thuốc lá ai cũng biết tuy nhiên nhiều người vẫn có thói quen không bỏ được. Theo nghiên cứu, hút thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý xơ vữa mạch máu.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc đột quỵ gấp 3 lần so với người bình thường. Ngoài ra thuốc lá còn làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, nhồi máu thận hoặc tắc cấp tính các mạch chi dưới, thậm chí phải cắt cụt chi nếu không kịp thời xử lý.

Yếu tố nguy cơ đột quỵ nào có thể thay đổi?- Ảnh 2.

Khi mắc tăng huyết áp, đái tháo đường có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

- Căng thẳng, stress

Nhiều người chắc không biết nếu thường xuyên căng thẳng stress cũng có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy khi áp lực công việc cùng với chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh như thức khuya, mất ngủ kéo dài, ăn uống không điều độ… dễ gây ra tình trạng như đau đầu, căng thẳng, stress… Khi căng thẳng quá mức sẽ làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, nếu trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở mọi người, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề căng thẳng trong cuộc sống, công việc, chúng ta hãy tìm cách cân bằng cuộc sống, tìm các giải pháp nhằm giải tỏa căng thẳng như: đọc sách, gặp gỡ bạn bè, du lịch, thăm họ hàng thậm chí tìm tới bộ môn thể dục cũng giải quyết được vấn đề này phần nào, từ đó giảm được yếu tố nguy cơ đột quỵ.

Một số bệnh tật có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ

Nhiều người mắc một số bệnh mạn tính thường chủ quan dẫn đến nguy cơ có thể gây đột quỵ bất cứ lúc nào, cụ thể.

- Bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về mạch máu. Khi mắc tăng huyết áp làm gia tăng áp lực lên thành mạch máu dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu, những mảng xơ vữa này lâu ngày sẽ góp phần hình thành nên huyết khối (cục máu đông) đi khắp các mạch máu trong cơ thể. Nếu cục máu đông này trôi lên não, dẫn đến tắc mạch máu não gây ra đột quỵ nhồi máu não.

Tăng huyết áp làm gia tăng áp lực lên thành mạch, khi gia tăng quá mức, thành mạch có thể bị vỡ, gây ra đột quỵ xuất huyết não. Theo ghi nhận, có đến 90% trường hợp đột quỵ xuất huyết não có liên quan đến tăng huyết áp. Vì vậy, việc kiểm soát huyết áp, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra người bệnh cũng cần quan tâm đến lối sống, chế độ ăn dành riêng cho tăng huyết áp giúp kiểm soát được bệnh điều này cũng giảm nguy cơ đột quỵ.

- Bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, đôi khi có yếu tố gia đình, thường diễn tiến âm thầm và dễ dẫn đến tổn thương các cơ quan như tim, não, mắt, thận…

Hiện tượng tăng đường huyết làm quá trình xơ vữa mạch máu diễn ra nhanh hơn người bình thường, hình thành cục máu đông trong lòng động mạch hay mảng xơ vữa gây bít tắc lòng mạch, cản trở lượng máu giàu oxy đến nuôi não. Mảng xơ vữa này không chỉ gây tổn thương não, khi xuất hiện ở tim gây nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực. Người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2- 4 lần so với người bình thường.

- Bệnh mỡ máu cao (Cholesterol cao)

Mỡ máu càng tăng cao không kiểm soát dần sẽ hình thành các mảng xơ vữa bám vào thành mạch, gây ra xơ vữa động mạch. Quá trình này tiến triển lâu dài và lâu dần gây tắc hệ động mạch nuôi não, dẫn đến đột quỵ. Tại Việt Nam, trung bình cứ 10 người trưởng thành có 3 người mỡ máu cao. Đặc biệt ở thành thị, hơn 44% người mắc bệnh này. Hơn một nửa phụ nữ 50-65 tuổi bị thừa cholesterol máu.

Bên cạnh yếu tố di truyền, chính lối sống hiện đại ít vận động - dành nhiều thời gian bên các thiết bị điện tử, chế độ dinh dưỡng không hợp lý (ăn nhiều chất béo bão hòa, uống nhiều rượu bia) và hút thuốc lá là những nguyên nhân gây mỡ máu cao. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh là rất cần thiết để phòng tránh cũng như kiểm soát mỡ máu cao.

- Các bệnh liên quan đến tim mạch

Khi mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch sẽ là nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Theo ghi nhận các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, rung nhĩ… dẫn đến tình trạng co bóp bất thường của tim, lâu ngày chúng dễ hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Khi cục máu đông thoát ra khỏi buồng tim, chúng có thể di chuyển đến nhiều nơi khác trong cơ thể, nếu đi đến não sẽ dẫn tắc nghẽn mạch máu não, gây đột quỵ nhồi máu não. Vì vậy, việc kiểm soát bệnh bằng cách sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ sẽ giảm được nguy cơ đột quỵ.

Theo suckhoedoisong.vn