Báo Phụ nữ TPHCM nhận được đơn của bà Trần Thị Quý (sinh năm 1963) phản ảnh về việc bà và vợ chồng anh trai tranh chấp nhà của cha mẹ trị giá 6 tỉ đồng. Giờ thì bà phải ra đường.
Phóng viên đã tìm đến “nhà” bà Quý. Gọi là nhà nhưng không cửa, không vách và “nhà” của bà là “tụm” ve chai giữa bãi đất trống, có chiếc tủ gỗ sờn cũ được khóa bằng sợi xích to. Bà Quý nhỏ thó, khắc khổ, chìm giữa cái bệ rạc, ngổn ngang xung quanh. Bà vừa vuốt ve bầy chó, vừa kể chuyện.
|
Vợ chồng bà Quý trong “ngôi nhà” không cửa, không vách |
Địa chỉ nhà ghi trong bản án: “Bên hông công viên phần mềm Quang Trung”
Trước khi “tạm cư” ở đây, “nhà” của gia đình bà là tấm bạt nơi bức tường bên hông công viên phần mềm Quang Trung. Bà ở đó 19 năm, không điện, không nước. Mỗi ngày, bà xin 1-2 xô nước của người dân và hứng nước rỏ ra từ thùng nước đá của xe nước nhỏ của bà. Đèn đường là nguồn sáng sinh hoạt, học hành của các con bà.
Còn trước đó thì sao? “Trước đó thì tui ở căn nhà đó đó…”. Bà hướng về lá đơn tôi cầm, có căn nhà bà sống quá nửa đời người: C80, tổ 16, khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Hiện, ngôi nhà đã về tay người anh trai cả.
Bà Quý đã có gần 20 năm đi tìm công lý. Căn nhà C80 do ba má bà là ông Trần Văn Thứ (mất năm 1988) và bà Nguyễn Thị Xá (mất năm 1983) tạo dựng. Cha mẹ bà mất không để lại di chúc. Bà Quý sống cùng cha mẹ và trở thành chủ hộ. 3 người con khác đã có gia đình, ở riêng. Ông Trần Văn H. - anh trai lớn đã bị cắt hộ khẩu khỏi nhà này. Năm 1996, bà Quý nhận 2 con của ông H. làm con nuôi, để 2 cháu được nhập hộ khẩu vào nhà C80 và được đi học. Đến năm 2000, bà bảo lãnh, nhập hộ khẩu cho ông H.
Từ ngày sống chung, 2 bên phát sinh mâu thuẫn. Chịu không nổi, năm 2001, bà Quý chọn “bứt". Vợ chồng bà đưa 2 con ra ở trọ. Sau đó, chồng bệnh, nhà càng khốn khó, vợ chồng bà phải che bạt, nép bên bức tường công viên phần mềm Quang Trung. Ở đó, bà Quý bán vài chai nước ngọt, chồng bà đi bốc vác, chạy xe ôm. Tất cả thu nhập của vợ chồng dành nuôi 2 đứa trẻ ăn học. Nhiều đêm mưa, cả nhà phải thức trắng. 2 đứa nhỏ vừa trùm áo mưa vừa học bài với nguồn sáng là ánh đèn đường hắt vào. Bà Quý không có tiền đóng học phí cho con. Bà làm đơn xác nhận gia cảnh khó khăn, xin miễn giảm học phí; nhưng trớ trêu, bà là chủ hộ trong căn nhà mặt tiền, nên chẳng ai xác nhận.
Năm 2019, gia đình bà bị cưỡng chế rời khỏi vỉa hè, vì vi phạm trật tự đô thị. Chẳng còn cách nào, bà lại tấp vào vỉa hè cách đó vài trăm mét che tấm bạt cũ trú nắng mưa. Gần 1 năm sau, thấy gia đình bà Quý quá khổ sở, một người vừa giúp, vừa cho gia đình bà thuê bãi đất trống, có sẵn cái chòi và điện nước với giá 2 triệu đồng/tháng.
Anh trai ở ngôi nhà 6 tỉ đồng, hỗ trợ cho em… 20 triệu đồng
Nhắc đến căn nhà, đến vụ kiện, bà Quý lại khóc. Gần 20 năm qua, 2 cung đường quen thuộc nhất với bà Quý là từ “nhà” đến Tòa án nhân dân (TAND) quận 12 và Tòa án nhân dân TPHCM.
Tháng 10/2005, bà Quý kiện ra TAND quận 12 về việc chia thừa kế căn nhà. Tuy nhiên, TAND quận 12 bác đơn kiện, vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Bà Quý kháng cáo, nhưng TAND TPHCM giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thay đổi, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế tăng lên 30 năm. Bà Quý lại ròng rã đi đòi công lý. Đến lúc này, bà mới biết vợ chồng ông H. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất (GCNQSD) cho căn nhà đang tranh chấp vào năm 2009. Bà vừa nộp đơn ra UBND quận 12 khiếu nại việc cấp GCNQSD, vừa kiện ra tòa yêu cầu hủy GCNQSD nhà ở và đất mà quận 12 đã cấp cho vợ chồng ông H., đồng thời bà yêu cầu chia thừa kế.
Ngày 26/6/2023, TAND TPHCM xử sơ thẩm vụ kiện của bà Quý. Ông H. trình bày: cha mẹ ông không phải là chủ miếng đất này, mà mượn của bà Tập (bà Tập là người trông coi đất). Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước kê khai đất và ông là người đứng kê khai năm 1997. Ông cũng là người mua lại của chủ cũ và có giấy xác nhận. Ông khẳng định: nhà đất là của vợ chồng ông và ông chỉ hỗ trợ 4 người em, mỗi người 20 triệu đồng.
Phía bà Quý không đồng ý. Bà cho rằng, cha mẹ bà đã mua phần đất này với giá 10 lượng vàng, các con đều biết. Hơn nữa, năm 2005, bà Quý đã khởi kiện tranh chấp ngôi nhà này, vậy mà năm 2006 ông H. giao dịch với chủ cũ và được cấp chủ quyền là không thỏa đáng. Ngoài ra, ông H. không trực tiếp sử dụng liên tục đất trên, vì ông H. đi nghĩa vụ từ năm 1978 và bị cắt hộ khẩu. Đến năm 1997, tổng kê khai nhà đất, ông H. chưa nhập khẩu nên không thể kê khai.
Hội đồng xét xử cho rằng: UBND phường Đông Hưng Thuận xác nhận nguồn gốc đất do ông Trần Văn Luận và bà Lý Nguyệt Anh đứng bộ cũ trước năm 1975 và nhờ bà Lê Thị Tập trông coi. Năm 1962, bà Tập chuyển nhượng đất cho ông Thứ và bà Xá. Cũng năm 1962, ông bà xây nhà. Năm 1997 ông Trần Văn N. (là con ông Luận, bà Anh) khiếu nại đòi lại đất. Năm 2006, ông H. đã trả hoa lợi cho ông N. Vì vậy, không có cơ sở xác định nhà đất C80 là di sản thừa kế của ông Thứ và bà Xá. Ngoài ra, tòa cũng cho rằng trình tự cấp GCNQSD đất và quyền sử dụng nhà ở cho ông Trần Văn H. - Trịnh Thị N. là đúng theo quy định. Do đó, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Quý.
Luật sư Trần Văn Hiếu - Đoàn Luật sư TPHCM (bảo vệ quyền lợi miễn phí cho bà Quý tại phiên sơ thẩm) nói: “Cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu xin chia thừa kế của bà Quý là chưa xem xét, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện của vụ việc. Cụ thể, tòa chưa xem xét công sức tạo lập nhà đất này của ông Xá, bà Thứ và công sức giữ gìn, quản lý của bà Quý từ sau khi cha mẹ mất. Việc tòa căn cứ vào tờ xác nhận của ông N. và tuyên nhà C80 thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông H. là chưa thỏa đáng. Việc ông H. bồi thường cho chủ đất cũ, lẽ ra tính vào công sức đóng góp của ông H. trong di sản của cha mẹ ông để lại, chứ không phải để xác lập sở hữu và xem là căn cứ để bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Quý”.
Ngoài ra, theo điều 236, Bộ Luật Dân sự: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu; trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác". Theo đó, nếu ông H. không trả tiền cho ông N. thì phần đất này đương nhiên cũng sẽ thuộc sở hữu của 5 anh chị em ông.
Bà Quý kể: “Thằng con lớn tôi chạy xe ôm, quá mệt mỏi với vụ kiện, nói, má để tụi con sống với”. “Để tụi con sống với" có lẽ cũng là lời kêu đòi được sống của bà. Với bà Quý, “sống" còn là phải chạm đến lẽ công bằng. Dù chồng con khuyên “buông”, dù món nợ vay cho hành trình đi kiện bị vây đòi, nhưng không lý lẽ nào bác bỏ được khao khát của bà Quý về một “mái nhà" và bà vẫn chưa thôi hy vọng về lẽ công bằng, cũng như sự chuyển hồi của tình thâm.
Theo phụ nữ TPHCM