Ảnh minh họa

Theo Nghị định 16/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và thi hành Luật Quốc tịch, các điều kiện gồm:

- Có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú; có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

- Người xin nhập quốc tịch phải có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Việt Nam. 

- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó. 

- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.

- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị định cũng quy định, những trường hợp đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng muốn quay trở lại xin giữ mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài vẫn phải có đủ 5 điều kiện như lần đầu nhập tịch.

Quy định người Việt Nam có hai quốc tịch được Quốc hội bổ sung vào Luật Quốc tịch và có hiệu lực từ 1/7/2009 tuy nhiên đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định với một số trường hợp ngoại lệ như: Người được Chủ tịch nước cho phép, trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.

Theo vnexpress