Hội thảo diễn ra tại TPHCM ngày 28/2. Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, cho biết, thống kê từ những vụ án liên quan đến các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lựa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố cho thấy, đa phần các nữ nạn nhân đều có công việc ổn định, 98% có trình độ đại học.

Theo bà Hoa, có nhiều trường hợp bị hại do tâm lý e ngại, mất thanh danh, uy tín nên không trình báo hoặc khai báo vụ việc một cách chung chung, gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, khám phá. Đặc biệt, có trường hợp bị lừa với số tiền lớn nhưng vẫn nhất quyết không khai báo, khiến cho công tác điều tra bế tắc.

Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho biết, từ năm 2014 đến 2016, trên toàn quốc đã xảy ra hàng trăm vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn “bẫy tình” để chiếm đoạt tài sản, với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Đối tượng sử dụng mạng xã hội để lừa đảo phụ nữ
Đây được xem là loại tội phạm mới, có thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Nigeria) thường “đội lốt” doanh nhân thành đạt, chính trị gia, kỹ sư thường làm quen với những người phụ nữ Việt Nam trung niên, vẻ ngoài giàu sang… thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook. 

Sau đó, những đối tượng này đặt vấn đề tình cảm, yêu thương. Khi đã chiếm được lòng tin của người phụ nữ thì câu kết với các đối tượng người Việt Nam giở thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt số tiền có giá trị lớn của nạn nhân.

Do các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo nên khả năng thu hồi tiền cho các bị hại gặp rất nhiều khó khăn.
                                                                                                                                                                                           phunuvietnam.vn