leftcenterrightdel
 Lao động Việt Nam làm việc tại Ả rập Xê út

Ả rập Xê út vừa đưa ra nhiều sửa đổi quan trọng đối với Luật Lao động nhằm bảo đảm đối xử bình đẳng trong việc làm và tăng cường quyền của người lao động. Những thay đổi này là nhằm tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn hơn, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững tầm nhìn đến năm 2030.

Luật Lao động sửa đổi mới của Ả rập Xê út được giới quan sát đánh giá là bước tiến đáng kể trong nỗ lực hiện đại hóa thị trường lao động nhằm tạo ra tương lai bền vững.

Theo đó, Hội đồng Bộ trưởng nước này đã phê duyệt sửa đổi 38 điều của Luật Lao động, trong đó xóa 7 điều và bổ sung thêm 2 điều mới. Luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực sau 180 ngày kể từ ngày được công bố trên công báo.

Các sửa đổi mới bao gồm làm rõ thời hạn thông báo bắt buộc để chấm dứt hợp đồng không xác định thời hạn. Cụ thể, nếu người lao động chủ động chấm dứt hợp đồng, họ phải thông báo trước 30 ngày. Nếu người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng, thời hạn thông báo bắt buộc là 60 ngày. Đây là điều khoản hướng tới mục tiêu cân bằng quyền lợi của cả hai bên, bảo đảm đối xử công bằng trong quá trình chấm dứt hợp đồng.

Đặc biệt, luật bổ sung thêm tình huống chấm dứt hợp đồng lao động liên quan đến thủ tục phá sản bằng cách quy định phải có quyết định hoặc phán quyết cuối cùng từ tòa án có thẩm quyền mới có thể chấm dứt hợp đồng của người lao động trong bất kỳ thủ tục phá sản nào. Điều này mang lại sự minh bạch, giúp bảo vệ cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động trong những tình huống phức tạp. 

Với tầm nhìn về phát triển nguồn nhân lực, luật sửa đổi yêu cầu người sử dụng lao động phải thiết lập các chính sách đào tạo và nâng cao trình độ cho nhân viên của mình. Yêu cầu này giúp nâng cao trình độ kỹ năng của lực lượng lao động, đồng thời cải thiện hiệu suất công việc nói chung, góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Lao động Việt Nam sang Ả rập Xê út làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, nhà máy, khách sạn, giúp việc gia đình…

Một trong những sửa đổi nổi bật nhất của luật là cấm người sử dụng lao động tham gia vào các hoạt động có thể làm suy yếu cơ hội bình đẳng hoặc sự đối xử công bằng tại nơi làm việc. Động thái này phản ánh cam kết của Vương quốc trong việc thúc đẩy môi trường làm việc tiến bộ, nơi tất cả nhân viên đều được đối xử công bằng, bất kể xuất thân hay vị trí của họ.

Luật sửa đổi cũng áp dụng giới hạn nghiêm ngặt đối với thời gian thử việc đối với nhân viên mới, giới hạn ở mức 180 ngày. Thay đổi đó bảo đảm rằng, người lao động không phải chịu bất ổn kéo dài về tình trạng công việc của mình, thúc đẩy sự ổn định hơn.

Ngoài ra, luật có điều khoản đặc biệt có lợi cho phụ nữ đi làm khi kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 12 tuần. Đây là mức tăng đáng kể và là bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ lao động nữ, phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu về chế độ phúc lợi thai sản.

Các sửa đổi cũng đưa ra nhiều điều khoản hỗ trợ thêm cho người lao động trong thời điểm khó khăn. Chẳng hạn, giờ đây người lao động được hưởng chế độ nghỉ phép có lương 3 ngày trong trường hợp anh, chị, em ruột qua đời. Bổ sung này phản ánh sự công nhận của Ả rập Xê út về tầm quan trọng của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như nhu cầu hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn cá nhân.

Luật Lao động sửa đổi còn làm rõ các điều khoản tuyển dụng đối với người lao động không phải công dân Ả rập Xê út. Quy định hiện tại yêu cầu phải nêu rõ thời hạn của hợp đồng và việc gia hạn hợp đồng, nếu chưa có trong hợp đồng lao động. Thay đổi này bảo vệ quyền của người lao động nước ngoài, những người chiếm một phần đáng kể trong lực lượng lao động của Vương quốc.

Bộ Nguồn nhân lực và phát triển xã hội đặc biệt lưu ý, luật có tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan đến mối quan hệ hợp đồng. Ngoài những điều khoản kể trên, các sửa đổi còn bao gồm việc mở rộng mục về kỳ nghỉ và hợp đồng lao động; thêm định nghĩa về các thuật ngữ: từ chức và chuyển nhượng; thêm một điều khoản chỉ định các thủ tục từ chức; sửa đổi các thủ tục khiếu nại đối với người lao động; và bổ sung các hình phạt đối với hành vi sử dụng lao động mà không có giấy phép của bộ. 

Đáng chú ý là người sử dụng lao động còn phải xây dựng chính sách đặc biệt về đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động để nâng cao kỹ năng và cải thiện tiêu chuẩn của họ.

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 người (đạt 62,91 % kế hoạch). Trong đó, thị trường Ả rập Xê út là 317 lao động.

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Ả rập Xê út từ tháng 8-2003, nhưng đến cuối năm 2006, từ khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng đưa lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại Ả rập Xê út thì thị trường này mới thực sự phát triển. Hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả rập Xê út trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, nhà máy, khách sạn, giúp việc gia đình…

Theo nld