Quá tin ‘mật ngọt tình yêu’

Đầu năm 2010, khi đang “lang thang” trên mạng để “tìm bạn”, chị Th.H (Q.1, TPHCM) bất ngờ nhận được “sự ưu ái” của “John Brown”, tự giới thiệu là một người làm trong “lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh”. Đang khá bức bách vì cô đơn sau khi hôn nhân đổ vỡ, chị H. dễ dàng “xiêu lòng” trước những lời tán tỉnh “có cánh” của người đàn ông nước ngoài đó. Mặc dù chưa từng gặp gỡ nhưng chỉ một thời gian ngắn “thư đi tin lại” tới tấp, ho đã dường như trở thành “cặp đôi hoàn hảo”, chỉ còn chờ ngày “chàng” bay sang Việt Nam gặp mặt là chuyện tác thành có thể diễn ra ngay sau đó.

Đúng như chị H. mong đợi, đến giữa năm, John cho biết đang thu xếp để sang Việt Nam gặp mặt “y trung nhân”. Người đàn bà gần 40 tuổi, có học, giỏi ngoại ngữ này bỗng trở nên yếu mềm, khờ khạo trước “tình yêu bất ngờ”, chị luôn mường tượng về một tương lai tươi sáng với người đàn ông “trong mộng” ở nước Anh hoa lệ... Song, sự háo hức của chị bị hẫng khi sắp đến ngày “bay sang Việt Nam”, John gọi điện thông báo, vì bận chút việc của đơn vị nên tạm hoãn chuyến đi. Thay vào đó, như để “xin lỗi” vì sự thất hẹn, anh ta gửi cho chị H. một món quà có kèm số tiền mặt hàng trăm ngàn bảng Anh. Nghe đến món quà quá giá trị, chị H. run lên, không tin vào tai mình. Và chị lại chờ đợi, hy vọng...

Chừng hơn 1 tuần sau, John lại gọi điện, lần này thông báo món quà đã về tới Việt Nam nhưng vì có chứa tiền mặt nên “gặp đôi chút rắc rối ở Hải quan”. 2 ngày sau, John đề nghị chị chuyển khoản tiền 7.000 USD vào một tài khoản nặc danh, coi như khoản tiền “bôi trơn” để giải tỏa lô hàng có chứa món quà “khủng” kia. Nghĩ rằng, số tiền 7.000 USD là quá nhỏ so với giá trị của “món quà”, vả lại người yêu cầu lại chính là “người yêu trong mộng” của mình, nên chị H. không ngần ngại chuyển tiền ngay. Nhưng kể từ đó, John “bặt vô âm tín”!

Trong năm 2010 đã có nhiều phụ nữ ở TPHCM bị lừa theo cùng một “kịch bản” trên. Tưởng như sau khi vụ án được khởi tố, xét xử, “ngón lừa Nigeria” đã “hết đất sống” ở Việt Nam.

Thế nhưng, không ngờ 6 năm sau lại có thêm nhiều nạn nhân của chiêu lừa đảo này. Mới đây, Công an TPHCM cho biết vừa triệt phá tổ chức lừa đảo liên kết giữa nhóm người gốc Phi với người Việt, dùng chiêu gửi quà tặng có tiền, trúng thưởng giá trị cao, lừa đảo nhiều người gần 10 tỉ đồng. Trong số 7 đối tượng đã bị bắt giữ có 2 người Nigieria là Ihugba Augustine Chinonso và Onu Chinoso Peter đóng vai trò chủ mưu, 5 người còn lại là người Việt Nam.

Chị Hồng C. (nhân viên kế toán ngụ tại TPHCM) là một nạn nhân của đường dây lừa đảo này. Khoảng tháng 1/2016, qua Facebook, chị C. làm quen với 1 người đàn ông có tên Brian Roland (người Anh). Ít lâu sau, 2 người nảy sinh tình cảm với nhau, Brian nói gửi tặng cho chị laptop, nước hoa... kèm theo 100.000 USD. Nhưng sau khi Brian thông báo quà đã tới Việt Nam thì chị C. liên tục nhận được các yêu cầu chuyển tiền để “bôi trơn” cho các cơ quan chức năng, vì “món quà” đang “trục trặc về thủ tục”. Đến lúc đã chuyển tiền 3 lần với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng, chị C. bắt đầu nảy sinh nghi ngờ, rồi “tá hỏa” khi phát hiện hình avatar trên facebook của “bạn trai” là hình của... 1 quan chức nước ngoài. Chị tức tốc trình báo cơ quan điều tra.

Một đối tượng người Nigeria trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Đàm Huy)

Sẽ thêm nhiều nạn nhân, nếu…

Trong “phiên bản 2010”, những kẻ lừa đảo đến từ châu Phi luôn nhận được sự tiếp sức đắc lực của một số người Việt Nam, trong đó có không ít phụ nữ “tự nguyện” thiết lập mối quan hệ “trên mức tình cảm” với những kẻ này. Trong một lần kéo nhau đến “quậy tưng bừng” tại Văn phòng đại diện Báo PNVN ở TPHCM, khi báo có bài phanh phui chiêu trò của “ngón lừa Nigeria”, chính những người phụ nữ Việt đi cùng đã đóng vai trò “đạo diễn” để đòi khoản tiền “bồi thường” lên tới 50.000 USD và sau đó là “hướng dẫn” cho những kẻ lừa đảo gốc Phi né tránh cơ quan pháp luật.

Không chỉ “tiếp sức” cho những kẻ lừa đảo, một số người còn bị “người tình châu Phi” sử dụng để đứng tên tài khoản trung chuyển “tiền bẩn” sau khi lừa đảo và tham gia vận chuyển ma túy. Lương Thị Kim Dung (còn gọi là Dung “kho”, ngụ tại Q.1, TPHCM) là một điển hình khi từng “qua tay” tới 3 gã tội phạm người Nigeria. Đặc biệt, có thời điểm Dung “kho” làm tình nhân của Eze Arinze Prince Ike - trùm lừa đảo người Nigeria nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 3/2008 - hỗ trợ cho hắn thực hiện hàng loạt vụ lừa tình qua mạng. Trong “phiên bản 2016”, điểm khác biệt nhỏ, là lần này không chỉ có sự hỗ trợ của các “bóng hồng” như Lê Thị Mai Phương (ngụ Q.12), Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (ngụ Q.7), mà còn có một số người đàn ông như Trần Viết Hùng (chồng Mai Phương), Lê Văn Nhóc (ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), Phạm Trường Thành (ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Hải (ngụ huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận). Những kẻ này được 2 người Nigeria chỉ đạo đóng vai khi thì nhân viên giao nhận, lúc là nhân viên hải quan hay cảnh sát kinh tế... để “dụ” các nạn nhân phải chuyển tiền.

Sau khi người bị hại đã chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng rút tiền đưa cho Tuyết để chuyển cho các đối tượng người Nigeria. Chỉ tính từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2016, Hùng cung cấp cho Tuyết và nhóm đối tượng người Nigeria khoảng 50 thẻ ATM; Hùng cùng Nhóc, Thành, Hải rút được hơn 4 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 400 triệu đồng.

Mặc dù nghi can chỉ khai nhận lừa 2 vụ nhưng công an cho là băng nhóm này lừa rất nhiều người. Dư luận cho rằng, nếu như vẫn còn những người Việt đang tâm “bán linh hồn cho quỷ”, tiếp tay cho hành vi lừa đảo của tội phạm nước ngoài và vẫn còn những người phụ nữ vừa “nhẹ dạ cả tin”, vừa “mơ mộng ảo tưởng” về những món tiền lớn “từ trên trời rơi xuống” mà không cần phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thì danh sách những nạn nhân của “ngón lừa Nigeria” sẽ tiếp tục còn kéo dài, với những khoản tiền bị lừa đảo ngày càng lớn.

Phụ nữ Việt Nam