Cô Đàm Vân (phải) - phiên dịch - và nhân viên cảnh sát Essex trong cuộc gặp với cộng đồng người Việt ở London hôm 28-10 - Ảnh: chụp màn hình Viethome
Nhà chức trách Anh đang làm song song cả hai việc: vừa nhận diện danh tính 39 nạn nhân, vừa lần mò từng mắt xích trong đường dây tổ chức vượt biên mà họ cho rằng có 'quy mô toàn cầu'.
Dư luận không tạo ra sức ép với cảnh sát, bởi họ hiểu việc điều tra cần có thời gian và sự tập trung. Nhưng tính chất nghiêm trọng của vụ việc và sự nóng lòng muốn có câu trả lời chính xác từ các gia đình dường như là động lực khiến cảnh sát Anh đẩy nhanh quá trình.
Từ lời kêu gọi bằng tiếng Việt...
Để thuyết phục người Việt tại Anh hợp tác, cảnh sát Anh đã nghĩ ra nhiều cách, từ liên lạc với một số nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng đến liên tục phát đi những lời cam kết sẽ không bắt giữ những người nhập cư trái phép ra trình báo.
"Chúng tôi là nhân viên chuyên hỗ trợ gia đình trong việc điều tra. Chúng tôi có mặt ở đây để giúp đỡ bạn và trả lời bất cứ câu hỏi nào mà bạn thắc mắc. Để có thể giúp gia đình bạn, chúng tôi cần một số thông tin từ bạn.
Xin vui lòng cung cấp cho chúng tôi thông tin cá nhân của người mà bạn đang lo lắng. Thông tin mà bạn cung cấp sẽ được bảo mật nghiêm ngặt và không bị lộ cho bất cứ ai. Chúng tôi không ở đây để bắt các bạn. Chúng tôi muốn giúp đỡ các bạn!".
Những dòng tiếng Việt bên trên là nội dung của một lời kêu gọi hợp tác của cảnh sát hạt Essex, nơi đang điều tra vụ 39 thi thể trong container. Thông báo thoạt đầu bằng tiếng Anh đã được cảnh sát địa phương "Việt hóa" lại, dường như bởi niềm tin rằng những người thực sự có thể giúp được họ trong vụ này không giỏi tiếng Anh.
Trong các thông cáo chính thức về diễn biến vụ việc kể từ ngày 23-10, cảnh sát Essex đều dẫn kèm số điện thoại đường dây nóng tại Anh và đường dây tiếp nhận các cuộc gọi quốc tế, cùng địa chỉ trang web với lời kêu gọi bất kỳ ai có thông tin đừng ngần ngại liên lạc.
"Chúng tôi vẫn để ngỏ quốc tịch của các nạn nhân. Chúng tôi cũng đang đề nghị bất kỳ ai có thông tin gì có thể giúp công tác nhận dạng hãy cung cấp cho chúng tôi" - chánh thanh tra cảnh sát Essex, ông Martin Pasmore, khẳng định hôm 26-10.
Trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng 3-2019, Tổ chức Di cư quốc tế chỉ ra một trong những lý do khiến nhiều người chọn con đường vượt biên trái phép đến Anh. Đó là họ có sẵn gia đình, người thân hoặc quen biết đã đến Anh và có thể giúp họ nương náu, tìm kiếm việc làm.
Nhà chức trách Anh có lẽ đã hiểu rõ điều này nên cam kết sẽ không bắt giữ bất kỳ ai ra cung cấp thông tin và nhấn mạnh họ "đang cố gắng giúp đỡ".
"Có thể có nhiều người đã tới đây bằng đường bất hợp pháp và đang có thông tin hoặc lo lắng rằng người thân của mình có thể nằm trong số các nạn nhân. Chúng tôi hiểu rằng một số người có thể đang cảm thấy sợ hãi nhưng tôi hi vọng mọi người sẽ đặt niềm tin vào tôi và vượt qua rào cản. Cảnh sát Essex sẽ không xem xét bất kỳ hành động nào chống lại quý vị" - chánh thanh tra Pasmore kêu gọi.
Dường như vẫn chưa đủ, ông Pasmore còn tự quay một clip ngắn với nội dung kêu gọi tương tự và đăng nó lên mạng.
Hai cuộc gặp ở London, Birmingham
Những nỗ lực thuyết phục của cảnh sát Anh cuối cùng đã có những kết quả ban đầu, đó là những cuộc gặp giữa nhóm nhận diện thi thể và một số gia đình Việt có người thân mất tích trong hai ngày liên tiếp mới đây.
Viethome, một trang tin điện tử của người Việt tại Anh, hôm 29-10 thông tin các cuộc gặp đã diễn ra ở chùa Từ Đàm, thành phố Birmingham. Cuộc gặp trong cùng ngày hôm đó đã kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng không có ai chung huyết thống với người mất tích nên không thể cung cấp ADN cho cảnh sát. Trước đó một ngày, cảnh sát Anh có cuộc gặp với cộng đồng người Việt ở London.
Cũng theo Viethome, kể từ sau những lời kêu gọi của cảnh sát, 20 gia đình và cá nhân đã tự nguyện ra trình báo thông tin nhận diện.
"Bốn người trong số này đã cung cấp ADN" - Viethome thông tin, đồng thời bức xúc dù phía điều tra Anh đã nhiều lần thuyết phục trên tivi và cam kết không bắt giữ, "vẫn còn một vài người trong cộng đồng đang đưa tin trái ngược, gây hoang mang cho những người thân có con em bị mất tích, khiến họ không dám ra mặt".
Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu sự việc được phát hiện. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau khi công bố, tổng đài bảo hộ công dân đã tiếp nhận được thông tin của 14 gia đình đề nghị hỗ trợ xác minh, tìm kiếm người thân bị mất tích tại Anh.
Ngày 29-10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh xác nhận đã tổng hợp và gửi 14 hồ sơ cho phía Anh.
Bộ Công an sẵn sàng đưa đội công tác sang Anh Chiều 30-10 tại Hà Nội, đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - đã có cuộc điện đàm với bà Priti Patel - bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland - về công tác phối hợp xác định danh tính các nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam trong vụ việc 39 người chết trong xe container tại Vương quốc Anh. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan cảnh sát Anh đang phối hợp tích cực điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam. Hiện việc xác minh thông tin, danh tính của những nạn nhân này rất cấp bách. Vì vậy, Bộ Công an Việt Nam đã sẵn sàng cử đoàn công tác sang Anh phối hợp với lực lượng cảnh sát Anh điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân. Người đứng đầu ngành công an Việt Nam cũng đề nghị phía Vương quốc Anh quan tâm, hỗ trợ đoàn công tác. Trong trường hợp có nạn nhân là người Việt Nam, đề nghị Bộ Nội vụ Anh tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ công dân theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật của Anh, Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế. Tiết lộ với Tuổi Trẻ, phóng viên của một hãng tin Anh đang tác nghiệp ở Hà Tĩnh cho biết hôm 30-10 đã hỏi Bộ Nội vụ Anh về khả năng cấp visa "đặc biệt" cho các gia đình ở Việt Nam có trình báo người thân mất tích khi đi sang Anh. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh chỉ nói về quá trình nhận diện thi thể: "Quá trình nhận dạng các nạn nhân đang được tiếp tục và quốc tịch của các nạn nhân vào thời điểm này vẫn chưa được xác nhận chính thức". (T.HOÀNG - D.AN) |
Theo tuoitre