Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

Điều 100 Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại.

Làm sao để bảo vệ con em không bị bạo hành và xâm hại về nhân phẩm, sức khỏe, TG&VN đã có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia tâm lý - Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội.

Khoảng gần 2.000 trường hợp bạo lực và xâm hại trẻ em (năm 2012) thì đến năm 2013, con số này tăng lên 4.000 trường hợp, năm 2014 là 4.500 vụ. Đáng chú ý, có tới 70% số vụ là lạm dụng và xâm hại tình dục. Là một chuyên gia tâm lý, bà có suy nghĩ gì về những con số này?

Tôi cho rằng những con số đó phản ánh được một phần sự thật vì có thể có nhiều vụ xâm hại và bạo lực trẻ em mà không được báo cáo, hoặc gia đình và những người xung quanh lại không hiểu là đó là xâm hại, là bạo lực nên không tố cáo. Ngoài ra có một số địa phương vì bệnh thành tích nên không báo cáo đầy đủ số vụ xâm trẻ em.

 Tuy nhiên, con số cũng nói lên thực tế tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em là vấn đề đáng báo động đối với chúng ta. Quyền trẻ em vẫn bị vi phạm mặc dù Việt Nam đã ký Công ước quyền trẻ em, ký luật trẻ em, có nhiều bộ luật khác để bảo vệ quyền trẻ em.

Khi những trẻ em bị bạo hành, không chỉ các thương tích trên cơ thể đeo bám mà những tổn thương về tinh thần cũng sẽ ám ảnh các em suốt cuộc đời. Nhiều trẻ bị bạo hành đã bị rối loạn tâm thần, trầm cảm, kích động, thậm chí là tự tử. Theo Tiến sĩ, nguyên nhân dẫn đến các vụ lạm dụng trẻ em, bạo lực ngày càng gia tăng là gì?

Tình trạng này gia tăng tôi nghĩ nó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau. Thứ nhất, là nhận thức của người lớn, trong đó có cha mẹ, họ hàng, gia đình và người xung quanh chưa đầy đủ, đôi khi một số người vẫn quan niệm yêu cho roi cho vọt, giáo dục trẻ em bằng đánh đập, chửi mắng, xúc phạm. Trong thực tế thì nhiều gia đình vẫn còn áp dụng cách giáo dục như vậy và vô hình chung nó lại là hình thức bạo hành trẻ em.

Thứ hai, cha mẹ hiện nay quá bận rộn, vì mưu sinh nên không có thời gian quan tâm đến con em mình, ít thời gian bên cạnh con nên nhiều trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại bởi những người xung quanh, hàng xóm láng giềng, người xa lạ…

Thứ ba tình trạng chung là căng thẳng trong xã hội hiện nay đang gia tăng. Thiếu kỹ năng ứng xử trong cuộc sống cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực xã hội nói chung và bạo lực trẻ em nói riêng.

Điều thứ tư là việc thực thi luật pháp, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa được nghiêm minh, những vụ bạo hành trẻ em chưa được xử lý thỏa đáng cho nên dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật. Những nguyên tắc về pháp luật, giám sát về đạo đức lỏng lẻo nên tình trạng bạo hành, tình trạng xâm hại trẻ em không giảm mà dường như có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

 Nghiên cứu ở các nước trên thế giới đã chỉ ra, bạo hành trẻ em là một trong những nguyên nhân gây ra những vấn đề bạo lực học đường, rối loạn xã hội nghiêm trọng như nghiện ma túy, bạo loạn, giết người sau này. Vậy nhằm bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị bạo lực, xâm hại thì cần có những biện pháp gì, thưa Tiến sĩ?

Tôi nghĩ để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo hành, bị xâm hại, giúp cho trẻ em phát triển, trưởng thành, thành công dân có ích với xã hội trước hết chúng ta có được nhận thức đầy đủ thế nào là quyền của trẻ em, thế nào là chăm sóc giáo dục trẻ em và thế nào là bạo hành đối với trẻ em?

Chúng ta phải phân biệt rõ việc giáo dục và bạo hành, trang bị kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cha mẹ, thầy cô, cộng đồng. Việc thực thi pháp luật những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em thật nghiêm minh để làm gương.

Việc tăng cường những dịch vụ xã hội hỗ trợ cho trẻ em về tâm lý, cho trẻ em bị bạo hành; hỗ trợ cho cha mẹ khi khó khăn trong giáo dục con cái được giúp đỡ còn thiếu, thậm chí không có nên nhiều bậc cha mẹ khi gặp khó khăn, lúng túng. Trẻ em có những vấn đề về tâm lý, rối loạn về nhân cách thì việc có dịch vụ tâm lý hỗ trợ cho các em là cần thiết nhưng thực tế chúng ta còn thiếu.

Bên cạnh đó, chúng ta phải cải cách giáo dục, thay đổi tư duy giáo dục, dành nhiều thời gian cho con em hơn. Gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng sống cho các em thay vì nhồi nhét kiến thức lý thuyết sách vở, làm sao cho trẻ em có cuộc sống không bị căng thẳng như bây giờ. Các em vừa được học vừa chơi vừa phát triển về trí tuệ cũng như về một số kỹ năng sống khác.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại chương trình giáo dục học đường. Nên chăng cần giảm bớt lý thuyết, tăng cường thời gian để trẻ được học những kỹ năng sống, có thêm thời gian để các em có thể ra ngoài thiên nhiên, tìm hiểu thiên nhiên, tìm hiểu về xã hội, có nhiều thời gian cho các em học cách ứng xử với nhau…

Thực tế, môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm với con cái. Bà có nghĩ rằng bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu sa dẫn đến những vụ bạo hành và xâm hại tình dục ở trẻ hay không?

Chắc chắn là bất bình đẳng giới nó là nguyên nhân gốc rễ trong việc bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em. Chính vì bất bình đẳng giới nó dẫn đến bạo lực trong gia đình, trẻ em chứng kiến bạo lực trong gia đình thì lớn lên chúng cũng có thể  hiểu rằng những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình có thể giải quyết bằng bạo lực. Những suy nghĩ như vậy rất nguy hiểm đối với trẻ.

Nếu lớn lên trong gia đình mà cha mẹ hay cãi nhau, đánh chửi nhau thì đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ suy nghĩ đến lối sống, quan điểm sau này.

Đối chiếu với các nước trên thế giới thì bà đánh giá như thế nào về nạn bạo hành và xâm hại tình dục ở trẻ của nước ta?

Ở các nước đang có chiến tranh, nghèo đói thì tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, bóc lột khá là khổ biến. Còn ở những nước phát triển thì chắc chắn tình hình của họ tốt hơn, họ bảo vệ trẻ em tốt, trẻ em có cuộc sống khá lành mạnh đúng nghĩa.

Một phần cũng do người lớn nhận thức được quyền trẻ em, trẻ em được tôn trọng, trẻ em được yêu thương theo nghĩa bình đẳng với người lớn, không như Việt Nam ta, người lớn luôn xem trẻ em không biết gì. Vậy cho nên đôi khi việc giáo dục áp đặt, giải quyết việc trẻ em không nghe lời chúng ta thường dùng hình phạt chẳng hạn như đánh đập, chửi mắng.

Đọc báo thì thấy hầu như ngày nào cũng có ít nhất một vụ em bé nào đó ở một nơi nào đó trên đất nước mình có thể bị dâm ô, bị cưỡng hiếp. Đó thực sự là một tình trạng rất đáng lo ngại.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

                                                                                                   Theo Thế giới  và Việt Nam