Đất cát - quà cha mẹ cho
Bà Vũ Thị Đ. (ngụ xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) và 3 con gái đều thành “bó đuốc” chỉ vì chuyện chia đất. Ban đầu, bà Đ. chia cho con trai đất ở mặt đường, con gái đất trong ngõ. 3 cô con gái không đồng ý, nhiều lần mẹ con bà Đ. mâu thuẫn. Ngay sau ngày giỗ cha (29/10) thì đến ngày 30/10, 3 cô con gái đã mua xăng đốt nhà mẹ. Như vậy, chỉ vì tranh chấp tài sản của cha mẹ mà 3 người con hành xử bất hiếu và vi phạm pháp luật.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều vụ việc thương tâm có nguồn cơn từ những câu chuyện chia đất. Chị gái tôi vừa nhận được khoản tiền từ ba mẹ chồng cho. Nhà có 3 thế hệ, 3 gia đình nhỏ nên ông bà quyết định bán căn nhà 80 mét vuông đang ở được 10 tỷ đồng và chia cho các con.
Chị nghĩ số tiền ông bà cho mình sẽ đủ để mua một căn chung cư. Tuy nhiên, sau khi bán nhà, ông bà giữ một nửa tiền là 5 tỷ đồng để mua nhà sống riêng. 5 tỷ còn lại ông bà cho 2 người con trai mỗi người 2 tỷ, người con gái lớn 1 tỷ.
Trong gia đình 3 chị em thì nhà chị tôi là khó khăn nhất vì đông con, công việc bấp bênh, chị cũng thất nghiệp gần 2 năm nay. Người em trai cầm 2 tỷ đồng đi đầu tư rồi lại khăn gói về ở cùng bố mẹ. Vợ chồng chị cầm 2 tỷ, đem 3 đứa con nhỏ ra ngoài tìm nhà mua, nhưng căn nhà rẻ nhất cũng có giá 3 tỷ.
Sau khi tính toán kỹ, vợ chồng chị chọn mua mảnh đất ở ngoại thành còn cả gia đình đi thuê nhà. Nói về việc phân chia tài sản, chị không hài lòng nhưng vợ chồng chị tự nhủ “tài sản của bố mẹ, bố mẹ cho bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu, nếu tranh chấp thì bạn bè, họ hàng cười chê”.
|
Không phải người con nào cũng hiểu rằng đất là tài sản của cha mẹ, và cha mẹ cho mình như thế nào là quyền của cha mẹ - Ảnh minh họa |
Đất là tài sản của cha mẹ, cho con cái như thế nào là quyền của cha mẹ. Nhưng không phải con cái nào cũng hiểu điều này. Cách đây vài tháng, tôi về thăm người cô ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Cô kể, hơn 1 năm nay, vợ chồng cô mệt mỏi vì con gái liên tục về đòi chia đất.
Cô than thở, không chỉ ở thành phố người ta mới tranh chấp đất đai, bây giờ ở quê chuyện đất cát cũng gây ồn ào xào xáo trong nhiều gia đình. Mấy năm trước, đất rẻ, con gái lấy chồng theo chồng. Hai ba năm nay đất tăng giá thì con gái cũng đòi cha mẹ chia đất. Vợ chồng cô cũng muốn chia cho các con nhưng không dám vì thấy nhiều người sau khi chia đất cho con thì con cái “lật mặt”, cha mẹ không chốn dung thân.
Con gái đã lấy chồng có được chia đất?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng TPHCM cho rằng hành động đốt nhà mẹ vì phân chia đất đai không công bằng là hành động đáng lên án vì quá vô đạo đức, bất hiếu.
Theo quy định pháp luật, khi cha mẹ còn sống, con cái không có quyền đòi chia tài sản thuộc quyền sở hữu của cha mẹ, vì đó không phải là tài sản chung của cả gia đình. Tuy nhiên, nếu cha hoặc mẹ hoặc cả hai chết mà không để lại di chúc, thì phát sinh quyền thừa kế, theo đó các con có quyền thừa hưởng khối tài sản chung này. Tức, nếu người chết có để lại di chúc thì chia theo di chúc, không có thì chia theo pháp luật, những người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng các phần bằng nhau, không phân biệt con trai, con gái.
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra không ít vụ án mạng đến từ việc tranh chấp đất giữa các thành viên trong gia đình, giữa anh em với nhau, giữa con cái và cha mẹ... Những tranh chấp về dân sự có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ nơi đâu và cách giải quyết văn minh nhất là giải quyết bằng pháp luật, trên cơ sở pháp luật.
Những người lựa chọn vũ lực, bạo lực để giải quyết tranh chấp đất đai là những người thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật, thể hiện trình độ nhận thức và ý thức thấp kém, họ sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.
Không ít những trường hợp do lòng tham, do thiếu đạo đức, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác nên đã không lựa chọn cách giải quyết phù hợp với quy định pháp luật mà sử dụng vũ lực để làm hại người khác. Đây là hành vi thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội.
Theo luật sư Cường, để giảm thiểu những vụ án do tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên gia đình, cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhận xét rằng, việc phân chia tài sản chung của cha mẹ là hết sức nhạy cảm. Cha mẹ cần họp gia đình, phân tích hợp lý và nhất thiết phải nhận được sự đồng thuận của số đông, tránh thiên vị. Sự bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ trong phân chia tài sản mà cha mẹ để lại cũng là nguyên nhân của nhiều vụ tranh chấp. Không ít vụ đương sự bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì có hành vi phạm luật.
Theo phụ nữ TPHCM