Nữ diễn viên Felicity Huffman đến toà án hôm thứ ba (9/4) vừa qua. Ảnh: ABC News

Theo diễn biến mới nhất, đầu tuần qua, công tố viên liên bang tại Boston nói rằng 13 phụ huynh, bao gồm cả diễn viên Felicity Huffman thừa nhận tội hối lộ chạy điểm, chạy trường cho con cái mình. Cùng với đó, 1 huấn luyện viên thể thao tại đại học, cũng cam kết nhận tội.

Felicity Huffman thừa nhận chi trả 15.000 USD cho một quỹ từ thiện giả mạo của William Singer để gian lận điểm bài thi SAT cho con gái, giúp cô bé dễ dàng trúng tuyển vào đại học.

Tại tòa án, Huffman nói: “Tôi vô cùng xấu hổ và thấy hối hận vì hành động của mình. Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn vì những gì đã xảy ra và chấp nhận mọi hình phạt từ sai lầm đó. Tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất dành cho những học sinh chăm chỉ học tập để có thể vào đại học. Tôi xin lỗi cha mẹ của các em, những người hy sinh để con cái học tập và đỗ đạt một cách trung thực”. Huffman cũng cho biết con gái cô không hề biết về hành động của mẹ.

Theo CNN, với các tội danh trên, bà Huffman có thể đối mặt với hình phạt lên đến 20 năm tù. Nhưng với sự thành khẩn nhận tội, công tố viên liên bang có thể đề xuất giảm nhẹ hình phạt xuống còn 9 tháng đến vài năm tù, cộng thêm khoản tiền phạt 20.000 USD. Bà Huffman là người đưa hối lộ với số tiền ít nhất trong vụ này.

Những người còn lại trong vụ án đều bị khởi tố tội danh âm mưu lừa đảo và gian lận theo luật hình sự Mỹ. Thẩm phán cho biết án phạt nặng nhất cho các bị cáo là 20 năm tù, ba năm quản giáo và khoản tiền phạt 250.000 USD. Mức án còn dựa vào số tiền hối lộ mà mỗi bị can đưa cho Singer, cũng như thái độ thành khẩn nhận tội và hợp tác với cơ quan điều tra của từng người. Nghi phạm cầm đầu Singer có thể bị tuyên mức án 65 năm tù và đóng 1 triệu USD tiền phạt.

Nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, cũng bị buộc tội, nhưng không nằm trong danh sách 13 phụ huynh đã nhận tội mà viện công tố công bố vừa qua. Vợ chồng Loughlin bị cáo buộc đã trả 500.000 USD để hai con gái của họ được nhận vào trường Đại học Nam California.

Nữ diễn viên Lori Loughlin chưa có tên trong danh sách nhận tội do công tố viên công bố. Ảnh: AFP

Hiện các bị cáo đã được tại ngoại. Ngày xét xử và tuyên án vẫn chưa được ấn định. Trong thời gian này, tất cả các bị cáo sẽ bị quản thúc nghiêm ngặt và cấm xuất cảnh nếu không có sự đồng ý của toà án.

Đường dây gian lận tuyển sinh đại học tới 25 triệu USD

Tháng 3 vừa qua, đường dây gian lận tuyển sinh đại học tại Mỹ đã bị phanh phui.

Tham gia vào đường dây có nhiều phụ huynh thuộc giới siêu giàu, gồm nữ diễn viên Hollywood Felicity Huffman và Lori Loughlin, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, cựu CEO công ty quản lý quỹ đầu tư Pimco Douglas Hodge, giám đốc điều hành TPG Capital William McGlashan cùng nhiều doanh nhân giàu có khác và huấn luyện viên tại các đại học…

Theo CNN, kẻ cầm đầu đường dây chạy trường này là William Singer, người đứng đầu một tổ chức tư vấn đại học có tên Key Worldwwide Foundation, CEO công ty Edge College & Career Network.

William Singer, người đứng đầu đường dây gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất nước Mỹ. Ảnh: Reuters

Những phụ huynh này bị cáo buộc đã trả tiền cho tổ chức tư vấn đại học của Wiliam Singer, để đảm bảo con cái họ “chắc suất” vào các trường đại học danh tiếng nước Mỹ.

Theo các nhà chức trách công bố, phụ huynh đã phải chi trả khoảng $250.000 - $400.000 (khoảng 5,6 tỉ - hơn 9,2 tỉ đồng) cho mỗi học sinh. Số tiền này được chuyển vào một quỹ từ thiện giả mạo cũng do Singer quản lý. Từ năm 2011 – 2019, Singer bị cáo buộc nhận tổng cộng 25 triệu USD (580 tỉ đồng).

Các đối tượng gian lận trong đường dây đã giúp con cái của nhiều gia đình giàu có vào học tại những trường Đại học danh giá của Mỹ như Georgetown, Yale, Stanford và Nam California (USC).

Công ty của Singer được cho là sẽ tư vấn cho giới phụ huynh để thi hộ hoặc sửa câu trả lời trong bài thi kỳ thi SAT hoặc ACT. Đồng thời, các phụ huynh cũng có thể khai khống con mình bị khuyết tật, để các em sẽ được thi dưới sự giám sát của giám thị đặc biệt, chính là người sẽ giúp các em đạt điểm cao.

Ngoài ra, tổ chức này bị cáo buộc đã hối lộ các huấn luyện viên thể thao tại đại học để giúp nhận các sinh viên vào trường, bất kể việc thành tích học tập hay thể thao của họ như thế nào. Công ty của Singer còn có dịch vụ chỉnh sửa hồ sơ của thí sinh bằng cách chỉnh sửa, ghép ảnh của những thí sinh này tham gia các kỳ thi thể thao cùng những vận động viên nổi tiếng.

Tổng cộng, có 50 người đã bị truy tố tại 6 tiểu bang của Mỹ, trong đó 33 người là phụ huynh chi tiền cho con vào trường điểm, 13 huấn luyện viên thể thao tại các trường và giám thị, ông Singer cùng 3 đồng phạm.

Bộ Giáo dục Mỹ vào cuộc

Bộ trưởng giáo dục Mỹ Betsy DeVos đã tuyên bố mở cuộc điều tra 8 trường đại học trong vụ việc.

Bộ Giáo dục đã gửi thư cho hiệu trưởng của các trường liên quan đến vụ bê bối thông báo rằng các trường sẽ phải đối mặt với một cuộc điều tra sơ bộ.

Mỗi trường đại học sẽ phải gửi cho Bộ Giáo dục các tài liệu bao gồm các tài liệu tiếp thị và quảng cáo, các thư từ gửi cho các tổ chức xếp hạng đại học như US News và World Report, các chính sách nội bộ và thủ tục liên quan đến tuyển sinh đối với các trường hợp đã trúng tuyển.

Đồng thời, các trường cũng phải tên của tất cả các học sinh nhập học được đề cập trong các cáo buộc điều tra của Bộ Tư pháp, cũng như bất kỳ hình thức kỷ luật nào mà trường áp dụng cho nhân viên theo cáo buộc của công tố viên liên bang.

Nếu bị kết luận vi phạm các quy định giáo dục liên bang, các trường đại học có thể nhận hình phạt bao gồm hủy bỏ quyền tiếp cận chương trình trợ cấp Pell Grants (chương trình trợ cấp chính phủ Mỹ cấp cho sinh viên để học đại học) và các khoản vay sinh viên.

Số phận của các sinh viên ra sao?

Trong nhiều trường hợp, sinh viên không hay biết cha mẹ đã gian lận để đưa mình vào trường đại học. Trong khi đó, các trường đại học cũng được cho là nạn nhân vì chỉ có những nhân viên phụ trách tuyển sinh mới trực tiếp nhúng tay vào.

Ông Andrew Lelling, Tổng chưởng lý bang Massachusett, cho biết việc xử lý ra sao với những sinh viên này tùy thuộc vào các trường. Mỗi trường sẽ có quyết định riêng của mình.

"Các trường sẽ tự đưa ra phương án giải quyết vụ việc với sinh viên, đây không thuộc phạm vi xử lý của chúng tôi. Về phần các cáo buộc, chúng tôi vẫn đang cân nhắc vì đây không phải một sự cố rủi ro mà không có sinh viên nào bị buộc tội. Các phụ huynh, những bị cáo khác là nhân tố chính trong vụ gian lận này. Chúng tôi vẫn đang xem xét có buộc tội sinh viên nào không", ông Andrew nói.

Trong trao đổi với CNN, bà Christine Helwick - cựu luật sư từng làm việc cho hệ thống trường USC, cho biết "sẽ không có một giải pháp đúng chung cho tất cả các sinh viên". "Đó sẽ là vấn đề được quyết định trên từng trường hợp". Bà nhận định, các trường đại học đang rất khó khăn khi đưa ra quyết định với các sinh viên hiện đang theo học. Họ sẽ phải xem xét chuyện sinh viên đó biết hay không việc gian lận này.

Còn trong trường hợp họ đã tốt nghiệp, bà Helwick cho rằng có khả năng một trường sẽ hủy bỏ bằng Đại học họ đã cấp.

Theo thoidai