Emily Peet, Lindsay Coughlin, Dakota Johnson, Georgia McAuliffe, Harper Hernandez, Harper Hart, đằng sau tất cả những cái tên này chỉ là một người phụ nữ: kẻ lừa đảo hàng loạt Azzopardi, 32 tuổi, đến từ Sydney. Trong thập kỷ qua, cô dùng tên giả ở nhiều bang tại Australia và cả ở Ireland, Canada. Với dáng người thấp bé, giọng nói nhỏ nhẹ và cử chỉ cắn ngón tay lo lắng, cô thường lừa dối trót lọt khi giả vờ làm trẻ vị thành niên.

Cuối tháng trước, cô bị kết án hai năm tù vì đã giả mạo giấy tờ để xin làm bảo mẫu cho một gia đình và đưa hai con nhỏ của họ đi khắp bang Victoria mà không được cho phép. Thẩm phán Melbourne Johanna Metcalf cho biết động cơ đằng sau "tội ác kỳ lạ" này vẫn chưa rõ ràng.

                     Samantha Azzopardi. Ảnh: BBC.

Cô đã gặp rắc rối với giới chức trong nhiều năm. Cô từng bị các quốc gia trục xuất và ngồi tù trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, câu chuyện dường như không bao giờ có hồi kết. Thẩm phán đã chỉ ra không có động cơ tiền bạc nào đằng sau hành động của cô và cô dường như cũng không muốn nổi tiếng.

Trong quá trình xét xử, tòa án đã nghe lập luận rằng cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách nghiêm trọng và chứng bệnh hiếm gặp có tên gọi là pseudologia fantastica - cảm thấy mình phải nói dối.

Án tù của Azzopardi xoay quanh sự việc năm 2019 ở bang Victoria của Australia, liên quan đến một cặp vợ chồng người Pháp không được tiết lộ danh tính. Azzopardi nói với họ rằng cô tên là Sakah, 18 tuổi, là một au pair (người chăm sóc trẻ và phụ giúp làm việc nhà trong thời gian sống với một gia đình để được chu cấp tiền).

Azzopardi thông báo với cặp vợ chồng rằng cô sẽ đưa hai con nhỏ của họ đi dã ngoại. Nhưng thay vì đưa các bé đi chơi ở khu vực gần nhà tại Geelong, cô dẫn chúng đến Bendigo, cách đó 200 km. Một thám tử đã phát hiện ra tung tích của họ.

Trước khi bị giới chức chặn lại trong một cửa hàng bách hóa, cô đã đến một dịch vụ tư vấn gần đó và giới thiệu mình là thiếu niên đang mang thai. Cô mặc đồng phục học sinh và thậm chí còn nhờ một người gọi điện cho dịch vụ này, đóng giả là cha cô.

Trước đó, Azzopardi đã làm bảo mẫu trong gia đình cầu thủ bóng rổ Australia Tom Jervis, và vợ anh, Jezze, trong gần một năm. Cặp vợ chồng cho biết họ đã tìm thấy cô thông qua dịch vụ web dành cho au pair và đã tin tưởng cô. Azzopardi đến nhà họ sống và cùng họ chuyển từ Brisbane đến Melbourne.

Nhưng câu chuyện lừa đảo bắt đầu sáng tỏ khi hai vợ chồng nhận được thông tin cô sử dụng danh tính của Jezze để đóng giả làm người tuyển mộ diễn viên. Cô đã kết bạn với một cô bé 12 tuổi, nói rằng có thể cho cô bé làm nghệ sĩ lồng tiếng trong một bộ phim của Pixar.

"Tôi đã đối xử với cô ấy như con gái mình", Jezze nói, cho biết bà cảm thấy bị xúc phạm khi biết sự thật.

Thám tử Ireland David Gallagher cũng có cuộc chạm trán kỳ lạ với Azzopardi, khi cô xuất hiện ở Dublin, Ireland vào tháng 10/2013.

Garda Síochána, nhân viên cảnh sát Ireland, phát hiện cô đi đi lại lại bên ngoài Bưu điện Tổng hợp Dublin, trông có vẻ u buồn, nhưng không chịu nói chuyện.

Hai cảnh sát đưa Azzopardi đến bệnh viện và trong nhiều tuần cô không nói một lời nào, khiến giới chức lo ngại cô là nạn nhân của nạn buôn người, trong khi truyền thông địa phương gọi cô là "cô bé bưu điện". Mặc dù Azzopardi không bao giờ nói với họ tuổi của mình, cô ra hiệu bằng tay rằng cô 14 tuổi.

Cảnh sát kiểm tra camera an ninh và đến từng nhà ở khu vực lân cận để hỏi thông tin. Họ làm việc với các chuyên gia phúc lợi trẻ em và liên hệ với cơ quan tìm người mất tích, Interpol, phòng thí nghiệm khoa học pháp y, cục nhập cư, đơn vị chống bạo lực gia đình và tấn công tình dục. Nhận thấy Azzopardi gần đây niềng răng, họ còn liên hệ với các bác sĩ chỉnh nha nhi trên toàn quốc để xem họ có nhớ "cô bé" không.

Cảnh sát Supt Gallagher cho biết họ luôn nghi ngờ về độ tuổi của cô nhưng không bao giờ nghĩ rằng cô nói dối hoàn toàn. "Cô ấy được đưa vào viện nhi, không ăn, không nói chuyện".

Đơn vị điều tra của ông cuối cùng đã đề nghị tòa án cấp cao cho phép chia sẻ hình ảnh của cô để tìm thông tin. Họ phải xin lệnh vì cô được coi là trẻ vị thành niên.

Khi hình ảnh được công khai, gia đình mà cô từng ở cùng khi bắt đầu đến Ireland đã nhận ra cô. Azzopardi được xác định danh tính và bị trục xuất về Australia dưới sự hộ tống của cảnh sát. Cô không nói một lời nào trong suốt hành trình.

"Khi sự thật về hoàn cảnh và tuổi tác của cô ấy được làm sáng tỏ, những người trong nhóm điều tra và quản lý cuộc điều tra này đã có bất đồng ý kiến", Supt Gallagher cho biết. "Một số người kêu gọi chuyển sang điều tra hình sự vì cô gái làm mất thời gian của cảnh sát do dối trá. Trong khi đó, những người khác, bao gồm cả tôi, cảm thấy rằng thực tế cô ấy chưa hề nói câu nào nên không thể bị coi là khai man. Việc này nên được coi là vấn đề sức khỏe tâm thần".

Azzopardi đã được giám định sức khỏe tâm thần nhưng được coi là không đến mức cần can thiệp.

                    Bức ảnh cảnh sát Ireland công bố khi tìm manh mối. Ảnh: Cảnh sát Ireland.

Năm sau, Azzopardi xuất hiện ở Calgary, Canada. Kịch bản tương tự diễn ra nhưng lần này cô không giữ im lặng. Cô nói rằng mình là Aurora Hepburn, 14 tuổi, nạn nhân bị lạm dụng đã trốn thoát khỏi một kẻ bắt cóc. Lúc đó, tuổi thật của cô là 26.

Một lần nữa, các nhà điều tra và nhân viên chăm sóc y tế đã dành hàng tuần để điều tra vụ án, cho đến khi có người phát hiện câu chuyện Dublin và nhận ra mối liên quan. Lần này, cô bị kết tội lừa dối cảnh sát Calgary. Azzopardi bị trục xuất khỏi Canada và lại bị cảnh sát áp tải trên chuyến bay về Australia.

Azzopardi còn có rất nhiều danh tính giả khác. Một du khách người Mỹ, Emily Bamberger, đã kể về cách Azzopardi thao túng cô ở Sydney năm 2014, ngay trước vụ Canada. Azzopardi tự nhận là thành viên hoàng gia Thụy Điển có tên Annika Dekker, nói rằng cô đã bị bắt cóc khi còn bé.

Một lần khác, Azzopardi khiến một gia đình ở Perth tin rằng cô là vận động viên thể dục dụng cụ người Nga, cả gia đình đã chết trong một vụ giết người tự sát ở Pháp. Không chỉ vậy, cô còn thuyết phục được cơ quan dịch vụ xã hội ở Sydney tin rằng cô là trẻ vị thành niên bị bạo hành, khiến cô được cho đi học và được đưa vào mái ấm tình thương.

Cuối tháng 5, Azzopardi mặc bộ quần áo tù màu xanh và đeo khẩu trang, mái tóc vàng được búi lên khi nghe tuyên án. Lần này, cô nhận tội.

Luật sư biện hộ Jessica Willard nói rằng thân chủ không có kế hoạch chia tách hai đứa trẻ 4 và 10 tuổi với bố mẹ hoặc làm hại chúng. Thẩm phán đồng ý rằng các em bé không bị tổn hại về mặt thể chất, nhưng bày tỏ lo ngại về tổn hại tinh thần đối với gia đình và cô bé 12 tuổi mà Azzopardi đã thao túng và hứa hẹn một vai lồng tiếng.

Bà cũng ghi nhận những lo ngại về sức khỏe tâm thần của Azzopardi. Tòa án đã nghe lập luận rằng cô từng bị lạm dụng nghiêm trọng trong quá khứ. Bác sĩ tâm thần Jacqueline Rakov đề nghị điều trị tự nguyện cho cô, nhưng nhà tù từ chối cung cấp giấy giới thiệu cần thiết.

Azzopardi đã trải qua hơn một 1,5 năm tạm giam trước khi xét xử, nghĩa là cô có thể đủ điều kiện được ân xá. Tuy nhiên, cơ quan công tố cho rằng có nhiều khả năng cô sẽ tái phạm.

Gallagher cho biết ông đã theo dõi trường hợp của Azzopardi trong 8 năm qua. Nhiều người cập nhật thông tin cho ông bất cứ khi nào những chiêu trò của Azzopardi vỡ lở.

"Liệu nhà tù có phải là nơi thích hợp cho cô ấy? Hay là một viện tâm thần? Cô ấy là mối nguy hiểm cho chính bản thân hay là mối nguy hiểm cho người khác? Ở Ireland, cô ấy không phải là mối nguy hiểm với bất kỳ ai, dù là một mối phiền toái đáng kể".

Theo vnexpress