May Na mới 13 tuổi khi bị chú của mình đưa qua biên giới Trung Quốc
và bán cho một người đàn ông làm vợ. Cô bé sau đó bỏ trốn
và được cảnh sát Trung Quốc giúp hồi hương. Ảnh: AFP

Reuters dẫn lời bà Mimi Vu, thuộc Quỹ Liên kết Thái Bình Dương, một tổ chức phát triển ở California, cho hay trước đây, hầu hết phụ nữ bị bán sang Trung Quốc đến từ khu vực gần biên giới ở miền bắc Việt Nam.


Tuy nhiên, trong năm qua, nạn buôn người đã lan rộng về phía nam khi giới chức phát hiện nhiều nạn nhân thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

"Những kẻ buôn người sẵn sàng bất chấp nguy hiểm để bằng mọi cách đưa các nạn nhân từ Việt Nam sang Trung Quốc", bà Vu nói, nhận định điều này cho thấy "việc buôn bán cô dâu Việt đang ngày càng mang lại lợi lộc lớn".

Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn cho những kẻ buôn người bởi sự thiếu hụt phụ nữ sau chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ qua. Năm ngoái, nước này đã xóa bỏ lệnh cấm và cho phép tất cả các cặp vợ chồng được sinh hai con.

Theo bà Vu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam và Đông Nam Á cũng đang tạo ra nhiều cơ hội cho tội phạm nhắm đến các lao động rời quê đi tìm việc làm ở những khu công nghiệp.

 Trong bối cảnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng đến thành lập một cộng đồng chính thức và thúc đẩy tự do thương mại, bà dự đoán nạn buôn bán phụ nữ và bé gái có nguy cơ gia tăng.

Ngày càng nhiều nhà máy ở Malaysia tuyển lao động người Việt và những kẻ buôn người đang góp phần tạo ra xu hướng bằng việc dụ dỗ, hứa hẹn với các nạn nhân về việc làm tại các nhà máy điện tử. 

"Thực tế, khi họ đến đó, hộ chiếu của họ sẽ bị tịch thu và họ buộc phải bán dâm hoặc làm vợ cho đàn ông bản địa", bà Vu nói, nhấn mạnh rằng nhiều phụ nữ cũng bị bán lại vào các nhà máy. "Họ có thể bị bán làm vợ, sinh được một đứa con trai rồi sau đó lại bị bán vào nhà chứa hoặc nhà máy, hay bán cho một gia đình khác để lại tiếp tục làm nhiệm vụ sinh con. Họ giống như một mặt hàng có giá trị vô thời hạn".

Năm 2013, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương đã phát triển một chương trình chống buôn người dành cho các chủ nhà máy, các nhà quản lý và lao động, với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp tuân thủ Luật Minh bạch trong Chuỗi Cung ứng California.

Luật đi vào hiệu lực từ năm 2012, yêu cầu các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất lớn đang làm ăn ở Mỹ công khai các biện pháp được áp dụng để loại trừ lao động cưỡng ép và buôn người khỏi chuỗi cung ứng của họ.

Chương trình nâng cao nhận thức của nhà máy trong việc chống buôn người (FACT) đào tạo cho các nhà quản lý về luật pháp quốc tế và địa phương cũng như những chiến thuật mà tội phạm buôn người dùng để lừa các công nhân ở nhà máy hay khu công nghiệp. Họ cũng được dạy cách ứng phó và trình báo nếu các vụ việc này xảy ra.

Quỹ Liên kết Thái Bình Dương đã đào tạo cho 9.000 công nhân và đặt mục tiêu tối thiểu là gấp đôi con số này vào cuối năm nay.

Theo VNExpress