Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Tôi 38 tuổi, ly hôn được 4 năm. Hơn  một năm trước, tôi quan hệ tình cảm với một phụ nữ hơn mình 2 tuổi. Cô ấy đẹp, sắc sảo, là giám đốc một công ty nhỏ.

Sau thời gian gắn bó, cảm thấy khá quyến luyến và hợp nhau, chúng tôi tính tới chuyện kết hôn. Cô ấy cũng qua một lần hôn nhân tan vỡ và đang nuôi con trai 12 tuổi. Điều tôi băn khoăn khi quyết định lập gia đình lần nữa không phải việc con chung, con riêng mà là vấn đề tài chính.

Tôi vốn chỉ đi làm công ăn ăn lương, tài sản hầu như chẳng đáng gì. Ngôi nhà tôi mua trước đây vợ cũ và con đang ở. Trong khi đó, người mới có nhà, xe và theo tôi biết là cô ấy còn sở hữu vài mảnh đất.

Dù không tính toán gì nhưng tôi khá sốc khi cô ấy đề nghị làm hợp đồng hôn nhân về việc rõ ràng tài sản các bên trước khi đám cưới. Cô ấy nói làm vậy vừa vì để rạch ròi giữa việc làm ăn và gia đình, vừa để tôi khỏi mặc cảm. Tôi chỉ cảm thấy như vậy chứng tỏ cô ấy quá suy tính và dường như sợ tôi nhòm ngó tới tài sản của mình.

Xin cho tôi hỏi, hợp đồng trước hôn nhân kiểu này có thực sự có giá trị về mặt pháp lý và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ vợ chồng?

Luật sư trả lời

"Hợp đồng hôn nhân" là khái niệm mới trong đời sống xã hội nhưng không được sử dụng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, Luật này có quy định về việc nam nữ có thể thỏa thuận lựa chọn chế độ tài sản trong hôn nhân.

Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Xét về bản chất pháp lý, đây cũng là một dạng thức của "Hợp đồng hôn nhân" nhưng chỉ quy định về vấn đề tài sản của vợ chồng, không quy định, ràng buộc vấn đề tình cảm và con cái như ở một số nước (Ví dụ: nếu một người ngoại tình thì tài sản chung vợ chồng sẽ thuộc về người còn lại, hoặc mất quyền nuôi con nếu ly hôn...)

Do pháp luật mới quy định cũng như văn hóa, tập quán của người Việt Nam còn giữ nhiều nét truyền thống nên "hợp đồng hôn nhân" chưa phổ biến nhưng trên phương diện pháp luật thì vẫn được công nhận, không bị coi là trái đạo đức, vi phạm thuần phong, mỹ tục.

Nếu hai bạn thống nhất lập Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản và văn bản này được công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền thì sẽ có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên phải tuân thủ. Bên nào vi phạm có thể phải gánh chịu chế tài mà "hợp đồng" đã quy định.

Việc vợ chồng lập Hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn có ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng hay không thì còn tùy thuộc nhận thức và thái độ của vợ chồng về vấn đề này. Trường hợp một bên không hoàn toàn thoải mái, tự nguyện khi ký kết hợp đồng hôn nhân thì cuộc sống sau này có thể thiếu sự hòa hợp. Do vậy, chỉ nên ký hợp đồng hôn nhân khi hai bên đều tự nguyện, nhất trí, chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm về tài sản của vợ chồng, cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng gia đình hạnh phúc.    

Theo vnexpress