Chào chị,
Chị ơi, em kết hôn với 1 người Trung Quốc, và sinh con ở Việt Nam. Em có cho con sang Trung Quốc chơi 1 lần. Nhưng 15 năm nay chồng em không hề cấp dưỡng tiền nuôi con.
Em có thể kiện chồng để anh ấy hỗ trợ em nuôi con không ạ? Xin chị tư vấn giúp em với. Em xin cảm ơn chị thật nhiều.
|
Ảnh minh họa |
Em Hảo thân mến!
Chat với Hạnh Dung là chuyên mục tư vấn tâm lý, nơi các bạn đọc gửi gắm tâm sự, để được lắng nghe và có những lời khuyên về những khó khăn, khúc mắc trong tình yêu, hôn nhân gia đình. Vấn đề của em nêu ra ở đây là tình huống pháp lý thuộc về lĩnh vực chuyên sâu trong mảng pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Trong giới hạn của chuyên mục, Hạnh Dung chỉ muốn nhấn mạnh với em “nuôi con” là nghĩa vụ của cha, mẹ, và là trách nhiệm xuyên suốt chứ không phải mối quan hệ xã hội. Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng phải hiểu rằng mình có nghĩa vụ và trách nhiệm với con cái, không cần phải có sự đòi hỏi “hỗ trợ” của bên nào.
Thế nhưng trong suốt nhiều năm làm tư vấn, Hạnh Dung có thể rút ra được một điều hết sức rõ ràng, rằng cũng có những người sinh con ra rồi, nhưng họ rất dễ dàng phớt lờ nghĩa vụ và trách nhiệm đó. Và để bắt buộc người đó thực hiện điều này, trong rất nhiều trường hợp, kể cả khi được pháp luật can thiệp, là điều vô cùng khó khăn.
Trong câu chuyện của em, Hạnh Dung không rõ về tình trạng vợ chồng em hiện có đang sống chung với nhau không? Chồng em là người Trung Quốc, nhưng anh ấy có đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, hay chỉ sang đây làm việc một thời gian rồi về lại Trung Quốc? Em kết hôn nhưng có làm thủ tục đăng ký kết hôn chưa? Em và chồng có ly hôn chưa?...
Để trả lời cho câu hỏi của em, cần phải có được những thông tin trên một cách chính xác, và câu trả lời sẽ hoàn toàn khác nhau, tùy thuộc vào sự có hay không của các thông tin do em cung cấp. Nhưng dù trong trường hợp nào đi nữa, thì để giải quyết vấn đề này, em cần phải tìm đến các cơ quan chức năng, chuyên trách.
Bước đầu tiên em cần thực hiện là tìm một luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình, để được tư vấn pháp lý và hướng dẫn các trình tự thủ tục đến các cơ quan có chức năng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi cần thiết cho trẻ em.
Một địa chỉ khác mà em có thể đến là trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình tại nơi em cư trú. Trong trường hợp em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ nuôi con, hay em là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì em có thể nhận được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Theo phụ nữ TPHCM