"Đó là quãng thời gian khổ cực như rơi vào địa ngục trần gian", Hiếu, 19 tuổi, nhớ lại.

Hiếu cho hay, sau Tết Nguyên đán 2022, qua mạng xã hội được một người bạn rủ sang Campuchia "làm việc nhẹ, lương cao" mà không cần giấy tờ, tiền bạc, chi phí đi lại có người "bao hết". Sau lời đồng ý, Hiếu được một người đàn ông dẫn đến cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, An Giang) vượt biên, vào sòng bạc cách không xa.

Bước qua cánh cửa sòng bạc cũng là lúc Hiếu mất hẳn liên lạc với kẻ môi giới. Hiếu kể sòng nằm trong khuôn viên 4 tòa nhà, được bao quanh bởi những bức tường cao 3-4 mét có dây thép gai và bảo vệ canh gác 24/24h. Trong đó có siêu thị, casino, nhà ở nhân viên, quán bar, karaoke...

Cùng hoàn cảnh như Hiếu, đầu năm 2022, anh Ngô (ở huyện Quảng Xương, Thanh Hoá) được một người bạn giới thiệu sang Campuchia làm việc với lương hứa hẹn 20 triệu đồng mỗi tháng. Do biết chút tiếng Trung và công nghệ thông tin, Ngô thử vận may với hy vọng tìm được công việc lương cao.

Nhưng Ngô nói đã "vỡ mộng". Nơi được đưa đến là khu nhà được bao bọc bởi những bức tường cao giăng thép gai trông như nhà tù, bảo vệ luôn kè kè súng.

Casino ở Campuchia được canh phòng cẩn mật, chỉ có một lối vào duy nhất và luôn có bảo về cầm súng canh gác. Ảnh: NVCC

Casino được canh phòng cẩn mật, chỉ có một lối vào duy nhất và luôn có bảo vệ canh gác. Ảnh: NVCC

Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa ước tính tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố có khoảng 380 người sang Campuchia lao động trái phép.

Lực lượng chức năng đã phối hợp đưa gần 180 trường hợp tại Campuchia trở về nước (giải cứu 19 người bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, trung tâm game online; 13 người được gia đình nộp tiền chuộc). Hiện còn hơn 200 người đang lao động trái phép tại Campuchia, trong đó 21 đang bị khống chế trong các cơ sở đánh bạc.

Khai báo với Công an Thanh Hóa, Hiếu kể ngay khi được đưa vào sòng bài đã nhận thông báo mình bị bán với số tiền 2.700 USD. Sau ba tháng làm phục vụ khách ở casino, Hiếu lần nữa nhận được thông báo đã bị bán tiếp cho một sòng bài khác, giá 4.600 USD.

Tại chỗ làm mới, anh được phát máy tính, điện thoại phục vụ cho việc mời chào người tham gia đánh bạc qua mạng. Bà chủ tên Âu nói mua Hiếu với giá 2.500 USD. Như 40 nhân viên khác ở đây, công việc của Hiếu là bưng bê đồ uống và dẫn khách vào bàn chơi bài.

Mỗi ngày làm việc từ 9h đến 23h, có hôm kéo dài đến 2h sáng. Kết thúc ca làm, Hiếu trở về tầng 9 tòa nhà bên cạnh casino sinh hoạt trong căn phòng khép kín. Bà chủ lập nhóm chát để thường xuyên gửi video cảnh nhiều nhân viên bị tra tấn bằng nhục hình nếu mắc lỗi hoặc chống đối.

"Có ai thích lên tầng 8 không - lời đe doạ cửa miệng của bà chủ", Hiếu kể và cho hay ban đầu không biết tầng 8 là gì, mãi sau mới hay đây là nơi chuyên dùng nhục hình với nhân viên.

Ai không hoàn thành việc được giao sẽ không được đi ngủ, phải ở lại tăng ca và bị bắt quỳ gối làm việc. Hình phạt cứ thế tăng dần. Việc bị dẫn vào tầng 8 là "nấc cuối cùng", Hiếu nói.

Anh Ngô cũng cho cho hay an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt nên không nhân viên nào có thể ra khỏi đây, đành răm rắp nghe theo sai khiến của người quản lý. Ngô được giao tìm cách hack tài khoản Facebook của nhiều người Việt để phục vụ lừa đảo qua mạng. Ngô còn phải sử dụng nhiều tài khoản ảo mạo danh phụ nữ nhằm mời chào nam giới tham gia đánh tài xỉu trực tuyến...

Theo Ngô, đa số người tham gia đánh bạc là thanh niên trẻ, người nhàn rỗi, cô đơn... "Đã tham gia chơi chỉ có thua vì giới chủ đã cài đặt sẵn, họ muốn cho ai thắng là được thắng", Ngô kể và tiết lộ ban đầu người chơi thường "được nhử cho ăn" để càng ham xuống tiền.

Ngoài tư vấn đánh bạc, Ngô còn bị giới chủ ép lên mạng lôi kéo thêm người sang Campuchia làm việc cho họ. Ngô bảo, để quản lý tin tưởng, một mặt cậu vẫn đăng tin tuyển lao động qua Facebook với lời mời chào hấp dẫn được sắp sẵn, nhưng khi có điều kiện thuận lợi, Ngô lại lén nhắn tin qua một tài khoản khác báo không nên đến Campuchia.

Cuối tháng 5, lấy lý do bố ốm nặng cần về chăm sóc nhưng Ngô phải nộp 52 triệu đồng tiền chuộc. Khi gia đình gửi xong tiền, Ngô được thả về.

Hơn ba tháng làm tại đây, Ngô nhận được 15 triệu đồng tiền công nhưng phải trả 60 triệu đồng bao gồm 52 triệu đồng tiền chuộc, chi phí xe, sinh hoạt ở công ty... "Thực tế là không có lương cao, không có cuộc sống màu hồng như lời môi giới. Sang đến đó giữ được mạng sống trở về là may mắn lắm rồi...", Ngô chia sẻ.

Nạn nhân Ngô thuật lại những màn tra tấn tàn độc của quản lý ở Campuchia. Ảnh: C.A

Anh Ngô kể lại việc bị lừa đưa sang Campuchia với cán bộ điều tra. Ảnh: Lam Sơn

Đa số nạn nhân bị lừa sang Campuchia với bẫy "việc nhẹ lương cao" muốn trở về phải nộp tiền chuộc song cũng có người đã bỏ mạng nơi xứ người. Trong căn nhà cấp 4 không có tài sản gì đáng giá, ông Trần Văn Trung (ở thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương) bảo "chưa biết tìm cách gì để đưa thi thể con về đất mẹ".

Theo ông Trung, đầu năm 2022 con trai Trần Văn Hiếu (20 tuổi) xin phép bố mẹ đi làm ở Bắc Ninh. Trong thời ở đây, Hiếu được một người bạn giới thiệu sang Campuchia. Ngày đi, con gọi điện về chào ông và sau đó mất liên lạc.

Vài tháng sau, có người gọi điện về cho gia đình ông Trung nói, muốn đưa Hiếu về nước phải nộp 76 triệu đồng tiền chuộc. Ông dự liệu có việc chẳng lành nhưng không thể nào liên lạc được với con để tìm hiểu thêm sự tình. Đến ngày 24/5, một người khác gọi về báo tin con ông bị tra tấn đã tử vong.

Ông Trung nói tìm mọi cách nhờ người quen ở Campuchia đến nơi làm việc của con dò hỏi tin tức nhưng không thể tiếp cận được. "Tôi chỉ mong có phép màu là con vẫn còn sống hoặc nếu nó thực sự đã chết thì mong cơ quan chức năng giúp đỡ để đưa thi thể về quê", người cha bật khóc.

Công an tỉnh Thanh Hoá xác nhận thông tin con trai ông Trung tử vong ở Campuchia song chưa công bố nguyên nhân; đang phối hợp lực lượng chức năng mở rộng điều tra.

Tối 4/7, Bộ Công an phát cảnh báo đề nghị người dân dân cảnh giác trước các lời mời gọi qua Campuchia "làm việc nhẹ lương cao, không mất chi phí đi lại". Nhiều sự việc cho thấy, nạn nhân phải làm việc cho các tổ chức lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên mạng, bị cưỡng ép làm việc 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi bị vắt kiệt sức, nạn nhân lại bị bán sang tổ chức khác.

Người nào muốn được về phải gọi điện cho người thân ở Việt Nam nộp tiền chuộc. Một số trường hợp bỏ trốn bị các ông chủ đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. Kẻ cầm đầu được xác định là người Trung Quốc, dưới sự giúp sức của người Việt Nam đang sống tại Campuchia.

Sáu tháng đầu năm, Công an Việt Nam phối hợp với nhà chức Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp. Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tập trung ở các khu như Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom, tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompênh.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Theo vnexpress