Phụ nữ đeo khăn niqab bên ngoài điện Christiansborg - trụ sở cơ quan lập pháp
Đan Mạch ở Copenhagen ngày 31-5
sau khi luật cấm trang phục che kín mặt được thông qua
Các trang phục che kín mặt, trong đó có khăn choàng Hồi giáo, Niqab hay Burqa, sẽ chính thức bị cấm sử dụng công khai tại Đan Mạch trừ một số trường hợp đặc biệt.
Luật cấm Burqa, do liên minh trung hữu cầm quyền đề xuất và lập luận, không nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào cũng như không cấm việc sử dụng khăn trùm đầu, khăn xếp hay mũ truyền thống của người Do thái.
Bên cạnh đó, văn kiện này cũng cho phép việc sử dụng trang phục che kín mặt trong trường hợp đặc biệt như thời tiết giá lạnh, hay kết hợp với một số phụ kiện khác như mũ bảo hiểm khi đi xe máy theo luật Đan Mạch.
Một nhóm phụ nữ trong bộ niqab tại Copenhagen ngày 31-5
"Luật như thế là không đẹp. Tôi sẽ không thể đi tới trường, đi làm hay đi đâu ra ngoài với gia đình. Tôi sẽ không bỏ Niqab và sẽ tìm cách khác để thay thế", cô Zainab Ibn Hssain, 20 tuổi, sống ở Copenhagen (Đan Mạch) nói với hãng tin Reuters sau khi luật cấm được thông qua.
Theo Luật cấm Burqa, người vi phạm sẽ chịu mức phạt khoảng 150 USD, và nếu tái phạm, người đó sẽ chịu mức phạt cao hơn, lên tới 1.600 USD hoặc bị tù giam trong 6 tháng.
Những người ép buộc hoặc đe dọa người khác sử dụng trang phụ che mặt sẽ bị phạt tù lên tới 2 năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng văn kiện này nhằm vào một số phụ nữ Hồi giáo bảo thủ.
Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Pape Poulsen cho hay sẽ gửi thông báo đến lực lượng cảnh sát nước này nhằm đảm bảo luật được thực thi nghiêm túc. Theo kế hoạch, Luật cấm Burqa có hiệu lực từ ngày 1-8 tới.
Như vậy, Đan Mạch là quốc gia châu Âu mới nhất áp dụng biện pháp cấm sử dụng trạng phục che mặt ở nơi công cộng sau Áo, Pháp, Hà Lan và Bỉ. Bang Bavaria của Đức - quốc gia tiếp nhận người nhập cư nhiều nhất châu Âu, cũng đưa ra lệnh cấm tương tự.
Tổ chức Ân xá quốc tế gọi lệnh cấm Burqa của Đan Mạch là hành vi phân biệt đối xử và xâm phạm quyền của người phụ nữ.
"Tất cả phụ nữ nên được tự do trong việc ăn mặc miễn là họ thấy hài lòng và việc mặc trang phục đó cũng đồng thời cho người khác biết họ là ai và đức tin của họ là gì", tổ chức này nhấn mạnh.
Theo Tuổi trẻ