|
|
Interpol được thành lập ngày 7/9/1923 với tên gọi Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế. Ảnh: Internet |
TAND Cấp cao tại TP HCM vừa xử phúc thẩm vụ kiện đòi hai căn nhà ở tỉnh Đồng Nai, giữa nguyên đơn Trần Thị Vân Tường (49 tuổi, định cư ở Mỹ, đang bị truy nã về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và bị đơn Phạm Hoàng Mai Huyền Phương. HĐXX sau đó hủy bản án sơ thẩm vì nhiều lý do, trong đó có việc "nguyên đơn đang bị truy nã" nhưng tòa không xem xét các thủ tục kiện có đúng pháp luật không.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha), người đang bị truy nã không bị tước đoạt quyền khởi kiện. Chỉ những cá nhân, tổ chức rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự mới bị tòa trả lại đơn. Đó là những người không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án; người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của thẩm phán; người khởi kiện rút đơn khởi kiện...
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Phú (nguyên phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP HCM) cho rằng, về mặt pháp lý một người đang bị truy nã không bị ảnh hưởng đến quyền khởi kiện và tham gia tố tụng để giải quyết vụ án dân sự. Họ cũng không bị ảnh hưởng đến quyền sở hữu và các quyền về tài sản nói chung. Ngay cả khi một người đang bị tạm giam hoặc thi hành án thì quyền khởi kiện và tham gia tố tụng để giải quyết vụ án dân sự của họ cũng không bị mất đi.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này trên thực tế đối với người đang bị truy nã sẽ gặp khó khăn vì tung tích của họ có nguy cơ bị bại lộ. Họ phải cung cấp địa chỉ nơi cư trú cho tòa án và sẽ bị bắt giữ nếu bị phát hiện. Trường hợp họ ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì cũng phải ký hợp đồng ủy quyền có công chứng hoặc giấy ủy quyền có chứng thực hợp pháp thì tòa mới chấp nhận.
"Trên thực tế rất hiếm người đang bị truy nã lại 'có gan' gửi đơn kiện đến tòa và tham gia tố tụng để giải quyết vụ án dân sự, kể cả trường hợp họ có ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng", ông Phú nói.
Theo ông Phú, khi phát hiện người khởi kiện đang bị truy nã trong một vụ án hình sự, tòa phải có trách nhiệm cung cấp địa chỉ nơi cư trú hoặc thông tin khác liên quan đến tung tích của đương sự (nếu biết) cho cơ quan ra quyết định truy nã. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bắt người đang bị truy nã theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người bị truy nã đang cư trú ở nước ngoài thì cơ quan điều tra có thể ra quyết định truy nã quốc tế và đề nghị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) hỗ trợ trong việc phát hiện và bắt giữ. Người bị truy nã có thể bị bắt giữ ở nước ngoài và dẫn độ về Việt Nam theo Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước đó và Việt Nam (nếu có) hoặc dựa trên quan hệ ngoại giao.
Trên quy định là thế, song thực tế để đưa một nghi phạm từ nước ngoài về Việt Nam xử lý không đơn giản. Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích, trường hợp tòa án phát hiện đương sự là người đang bị truy nã đã bỏ trốn ra nước ngoài thì phải báo cho cơ quan điều tra. Họ sẽ cùng các cơ quan có thẩm quyền kết hợp với Interpol ban hành "lệnh truy nã đỏ" dựa trên một lệnh bắt giữ hoặc một quyết định tư pháp hợp lệ.
Lệnh truy nã đỏ có phạm vi áp dụng toàn thế giới với mục đích thông báo cho các quốc gia thành viên về tình trạng truy nã của một tội phạm hoặc nghi phạm. Tuy nhiên, lệnh truy nã đỏ không phải lệnh bắt giữ quốc tế. "Việc bắt giữ, dẫn độ tội phạm phụ thuộc vào sự thiện chí của quốc gia thành viên. Trên nguyên tắc chủ quyền thì mọi quốc gia đều có thẩm quyền pháp lý đối với người dân trong biên giới", luật sư Trạch lưu ý.
Do đó, việc dẫn độ cần phải tuân theo nguyên tắc, trình tự và nội dung đã thống nhất trong Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam với nước đó; Hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự; thỏa thuận giữa các quốc gia là thành viên của tổ chức Interpol.
Theo vnexpress