* Trả lời:
1. Về việc đưa trẻ xuất cảnh khỏi Việt Nam
Khoản 2 và khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định như sau:
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Tại câu hỏi của bạn, chúng tôi không có thông tin về số tuổi của trẻ, do vậy, chúng tôi xin trả lời theo hai trường hợp sau đây:
a. Trường hợp trẻ dưới 07 tuổi:
Vì chị của bạn được quyền nuôi con nên việc chị của bạn quyết định đưa trẻ ra nước ngoài cùng mình để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt hơn là việc làm phù hợp với pháp luật. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng có quy định về việc xuất cảnh của trẻ em dưới 9 tuổi. Theo đó, hộ chiếu cấp cho trẻ em dưới 9 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó. Trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn (Khoản 2 Điều 1 Nghị định 94/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam).
Tuy nhiên cần lưu ý, theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người cha không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Và chỉ trong trường hợp người cha không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người mẹ trực tiếp nuôi con mới có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Do vậy, có thể nói rằng việc chị của bạn đưa con sang nước ngoài để sống cùng mình có thể bị phản đối bởi người chồng trước đã ly hôn với lý do việc đưa trẻ ra nước ngoài gây cản trở quyền chăm nom con của mình. Theo đó, chị của bạn cần có sự trao đổi và thoả thuận trước với người chồng đã ly hôn về những điều kiện tốt có thể dành cho trẻ khi đưa trẻ xuất cảnh sang sinh sống tại nước ngoài. Người chồng cũ của chị bạn được quyền yêu cầu Toà án dành quyền nuôi con cho mình nếu chứng minh được việc đưa trẻ ra nước ngoài không đảm bảo điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
b. Trường hợp trẻ đã đủ 07 tuổi trở lên:
Trong trường hợp này, ngoài các quy định cần phải tuân thủ như nêu tại Mục a ở trên, chị của bạn phải hỏi ý kiến của trẻ về việc có đồng ý cùng mình ra nước ngoài sinh sống hay không và cần phải tôn trọng quyết định của trẻ, nếu trẻ muốn sống với cha tại Việt Nam và cha của trẻ đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục trẻ.
2. Về việc định cư của trẻ tại Trung Quốc
Việc trẻ định cư và sinh hoạt tại Trung Quốc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Trung Quốc. Do đó, chị của bạn cần phải tìm hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật Trung Quốc nhằm đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
(Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội)
Theo quehuongonline.vn