Đức cải cách luật nhập cư để thu hút lao động nước ngoài
Cập nhật lúc 14:37, Thứ tư, 03/05/2023 (GMT+7)
Dự kiến, trong vài tuần tới, Quốc hội Đức sẽ thông qua luật cải cách nhập cư, cho phép lao động nước ngoài dễ dàng sang Đức làm việc. Theo tính toán, Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động vào năm 2035.
Ngày 2/5, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết Đức sẽ xây dựng một trong những hệ thống nhập cư hiện đại nhất châu Âu. Mục đích là để thu hút tài năng trên toàn cầu, giúp giải quyết vấn đề thiếu nhân lực có kỹ năng, vốn đang là mối lo ngại hàng đầu của một số doanh nghiệp lớn nhất nước.
|
Nhiều lao động trẻ tìm hiểu chương trình do Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức tại Việt Nam tổ chức (Ảnh: Người lao động). |
Ông ghi nhận nhiều ngành công nghiệp của Đức đang chật vật tìm kiếm nhân sự và tình hình sẽ tồi tệ hơn khi thế hệ Baby-Boomer (những người sinh trong giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh 1946-1964) đến tuổi về hưu.
“Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động vào năm 2035 nếu chúng ta không hành động. Điều đó có thể trở thành một cú phanh thực sự đối với tăng trưởng kinh tế Đức”, Bộ trưởng Hubertus Heil nói.
Luật cải cách nhập cư, dự kiến được Quốc hội Đức thông qua trong vài tuần tới, sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người lao động nước ngoài đến làm việc ở Đức. Luật mới loại bỏ nhiều rào cản pháp lý đối với người nhập cư.
Theo đó, luật nhập cư mới sẽ cho phép mọi người đến Đức để làm việc ngay cả khi không có bằng cấp chuyên môn của Đức. Họ chỉ cần có hợp đồng lao động, một số kinh nghiệm chuyên môn và được đào tạo nghề ở nước họ.
Luật mới sẽ giới thiệu chương trình “thẻ cơ hội” cho những người nước ngoài không thuộc Liên minh châu Âu (EU) muốn đến Đức làm việc dài hạn. Thẻ cơ hội này là một hệ thống tính điểm dựa trên bốn tiêu chí: có bằng cấp ở nước ngoài, có kinh nghiệm làm việc ít nhất 3 năm, có kỹ năng tiếng Đức hoặc từng sống ở Đức trước đây, và dưới 35 tuổi. Hàng năm, chính phủ Đức sẽ đưa ra hạn ngạch cấp thị thực cho lao động nhập cư dựa trên nhu cầu nhân công của từng lĩnh vực trong nước. Những người nước ngoài đạt một số điểm nhất định của thẻ cơ hội sẽ được ưu tiên cấp thị thực.
Chính phủ Đức cũng đang phát động một chiến dịch quảng bá quốc tế, với khẩu hiệu “Make it in Germany”, nhằm thu hút lao động nước ngoài đến Đức làm việc trong các lĩnh vực đang thiếu hụt kỹ năng trầm trọng.
Viện Nghiên cứu lao động (IAB) của Đức cho biết Đức cần 400.000 lao động nhập cư hàng năm vào năm 2060 để duy trì nguồn cung nhân lực ổn định.
Tại Việt Nam, tháng 11/2022 Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Cơ quan lao động Liên bang Đức và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (Cộng hòa Liên bang Đức) đã ký kết Chương trình "Hand in Hand for International Talents" thực hiện tuyển chọn lao động có tay nghề được đào tạo, có kinh nghiệm của Việt Nam đi làm việc tại CHLB Đức, giai đoạn 2022-2023.
Chương trình "Hand in Hand for International Talents" nhằm mục đích thí điểm tuyển chọn đưa người lao động Việt Nam đã tốt nghiệp trình độ Cao đẳng trở lên, có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong ngành đã được đào tạo gồm công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, khách sạn sang làm việc tại CHLB Đức.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây là chương trình phi lợi nhuận, người lao động không phải nộp các khoản chi phí khi tham gia Chương trình, được phía Đức đài thọ chi phí học tiếng Đức tại Việt Nam tới trình độ B1, lệ phí xin thị thực, hỗ trợ chi phí công nhận văn bằng bởi các Cơ quan có thẩm quyền tại CHLB Đức, được bố trí việc làm theo ngành tuyển dụng với mức lương lên tới 3.500 Euro/tháng, hưởng phúc lợi như người Đức tại cùng một vị trí làm việc và được làm việc lâu dài tại CHLB Đức.
|
Theo thoidai