Trẻ em nước ngoài được đưa đến Anh bởi các nhóm buôn người nhằm phục vụ cho ngành kinh doanh ma túy

Kobe đang học năm cuối tại trường tiểu học khi một băng đảng ma túy đến “tuyển dụng”. Tính đến lúc ấy, cậu bé từng ở tại 7 nơi nuôi dưỡng khác nhau và gặp rất nhiều nhân viên xã hội. Ở tuổi 17, Kobe được chính phủ Anh xác định là nạn nhân buôn người trẻ em.

Khi Theresa May trở thành thủ tướng, bà đã cố gắng biến việc giải quyết chế độ nô lệ hiện đại trở thành sứ mệnh trong nhiệm kỳ. Chính phủ hiện tại của Thủ tướng Boris Johnson cũng quan tâm đến việc chấm dứt nạn buôn người. Đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Victoria Atkins cam kết “bảo vệ các nạn nhân của tội ác kinh hoàng này”.

Thế nhưng Kobe nhận được thông báo rằng cậu sẽ được đưa trở lại Ghana, một quốc gia phía tây châu Phi nơi mà chàng trai trẻ không còn ký ức gì kể từ khi đến London năm 5 tuổi. Hiện cậu là một trong số hàng nghìn nạn nhân buôn bán trẻ em có nguy cơ bị trục xuất do chính sách nhập cư “thù địch” của Bộ Nội vụ.

Dữ liệu được công bố hôm 17/10 nhân kỷ niệm 10 năm Ngày chống nô lệ của Vương quốc Anh - được giới thiệu để đánh dấu cam kết của chính phủ trong việc chấm dứt bóc lột - cho thấy rằng trong số gần 4.700 người nước ngoài được xác nhận là nạn nhân buôn người, chỉ có 28 trẻ em được cho phép ở lại Vương quốc Anh trên 4 năm. Số liệu gây sốc cho các nhà vận động chống chế độ nô lệ.

Dữ liệu về kết quả nhập cư của các nạn nhân buôn bán trẻ em được tiết lộ, một số lượng lớn thanh thiếu niên có nguy cơ bị Bộ Nội vụ trục xuất khi tròn 18 tuổi.

Từ năm 2016 đến năm 2019, 4.695 người nước ngoài được công nhận là nạn nhân nô lệ hiện đại ở Vương quốc Anh. Trong số này, 549 người lớn và chỉ 0,6% tổng số (28) trẻ em được cho phép tạm thời ở lại Vương quốc Anh.

Bộ Nội vụ từ chối tiết lộ có bao nhiêu trong số 4.695 nạn nhân là trẻ em, nhưng dựa trên hệ thống xác định nạn nhân buôn người, các chuyên gia tin rằng con số này có thể lên đến một nửa.

Patricia Durr, giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện vận động Mọi trẻ em được bảo vệ chống buôn bán (Ecpat UK), cho biết: “Chúng tôi rất sốc khi thấy rằng, trong khoảng thời gian 4 năm, chỉ có 28 nạn nhân trẻ em bị buôn bán được để ở lại theo ý muốn”.

Trong số những khoảng trống về dữ liệu là khoảng thời gian ở lại thực tế được cấp cho 28 trẻ em, mặc dù số liệu cho thấy thời lượng "cực kỳ hạn chế" cho cả nạn nhân buôn người là người lớn và trẻ em.

Đối với gần 3/4 (74%) tổng số nạn nhân buôn người được ở lại, khoảng thời gian này kéo dài từ bảy tháng đến một năm. 7,8% tiếp theo thậm chí còn ít hơn, từ 0 đến 6 tháng.

Người phát ngôn của Ecpat UK cho biết những khoảng thời gian ngắn như vậy dường như trái với luật pháp quốc tế quy định các chính phủ phải cho trẻ em ở lại tùy ý, phù hợp với “lợi ích tốt nhất của trẻ” và “giải pháp lâu dài”.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Chính phủ quyết tâm chấm dứt nạn bóc lột trẻ em và thanh thiếu niên cũng như giải quyết các băng nhóm tội phạm khiến họ gặp nguy hiểm. Tính đến tháng 8/2020, 65% nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại được xem xét đã được cấp phép ở lại, hoặc đã được cấp phép lưu trú ở dạng cao hơn".

Theo phunuonline