Indonesia nổi giận với Arab Saudi vì vụ tử hình nữ giúp việc
Cập nhật lúc 22:13, Thứ năm, 01/11/2018 (GMT+7)
Arab Saudi đã tử hình nữ giúp việc giết ông chủ để tự vệ khi bị cưỡng hiếp mà không thông báo cho các đại diện của Indonesia.
Nữ giúp việc người Indonesia Tuti Tursilawati (trái)
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 31/10 gọi điện cho Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir để bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu được biết tại sao Indonesia không được thông báo về việc tử hình nữ giúp việc Tuti Tursilawati hôm 29/10, theo
Washington Post.
Trong một tuyên bố, Widodo cho biết trước đó ông đã nêu các vấn đề xung quanh vụ Tursilawati khi Jubeir tới thăm Indonesia tuần trước và sự việc cũng liên tục được đưa ra với giới lãnh đạo Arab Saudi, bao gồm Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman.
Tursilawati đã giết ông chủ người Arab Saudi của mình tại thành phố Thaif năm 2010 khi người đàn ông này định cưỡng hiếp cô. Bà mẹ một con đến Arab Saudi làm giúp việc được 9 tháng trước khi sự việc xảy ra. Tursilawati bị kết án tử hình vào năm 2011 dù cô khẳng định hành vi của mình là tự vệ chính đáng.
Lalu Muhammad Iqbal, người đứng đầu bộ phận bảo vệ công dân của Bộ Ngoại giao Indonesia, nói với phóng viên hôm 30/10 rằng động thái của Arab Saudi "rất đáng tiếc". "Arab Saudi đã tử hình Tuti Tursilawati mà không thông báo cho các đại diện của chúng tôi ở cả Riyadh và Jeddah", Iqbal nói.
Hikmahanto Juwana, một chuyên gia về luật pháp quốc tế tại Đại học Indonesia, nói với The Jakarta Post rằng Riyadh đã "vi phạm quy tắc của quan hệ quốc tế" khi không thông báo với Indonesia vụ hành hình sắp diễn ra. Migrant Care, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ quyền cho người lao động Indonesia ở nước ngoài, lên án vụ tử hình và kêu gọi chính phủ thực hiện các bước ngoại giao nghiêm khắc.
Theo Jakarta Post, ít nhất 4 người Indonesia đã bị tử hình tại Arab Saudi từ năm 2011 và 20 người khác đang đối mặt với án tử tại quốc gia vùng Vịnh này.
Vụ tử hình nữ lao động Indonesia cũng nhấn mạnh vào tình thế khó khăn của 11 triệu lao động đến từ hơn 100 quốc gia đang làm việc tại Arab Saudi. Người lao động nước ngoài thường xuyên phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khác do hệ thống luật pháp dựa trên luật Hồi giáo của Arab Saudi.
Tuần trước, tình báo Arab Saudi bắt 19 lao động nhập cư Philippines sau khi họ đột kích một căn hộ ở thủ đô Riyadh vì tổ chức tiệc mừng lễ Halloween mà không được phép của chính quyền và gây ảnh hưởng tới hàng xóm. Nhóm người được trả tự do hôm 30/10 nhưng có thể vẫn phải đối mặt với các cáo buộc khác vì luật pháp Arab Saudi cấm phụ nữ và đàn ông không có quan hệ ở cùng nhau nơi công cộng.
Theo VNExpress