"Trò đùa" lan rộng
Tại Hàn Quốc, một báo cáo gần đây do đại biểu Quốc hội Cho Eun-hee biên soạn, sử dụng dữ liệu từ Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, cho thấy: có 180 vụ án hình sự liên quan đến hình ảnh deepfake vào năm 2023. Tổng cộng 120 thủ phạm đã bị pháp luật xử lý, trong đó, 91 người (75,8%) là thanh thiếu niên. Nhìn chung, cả số lượng tội phạm liên quan đến deepfake cũng như tỉ lệ vụ án do thanh thiếu niên thực hiện đều có xu hướng tăng. Bà Cho cho biết: “Những vụ án tội phạm tình dục kỹ thuật số gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho nạn nhân đang lan rộng trong giới thanh thiếu niên, như thể đó là một trò chơi”.
Vào ngày 21/8, Sở Giáo dục TP Busan cho biết, 4 học sinh THCS đã bị cảnh sát điều tra vì dùng deepfake tạo ra khoảng 80 hình ảnh khiêu dâm của 18 học sinh và 2 giáo viên, sau đó chia sẻ qua ứng dụng nhắn tin di động. Loại tội phạm này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Có khi, hình ảnh được sử dụng để bắt nạt nạn nhân nhưng có lúc chúng cũng được dùng để kiếm tiền. Năm 2022, một học sinh trung học bị kết tội bán nội dung khiêu dâm cho 110 người, bao gồm cả ảnh của người khác bị chỉnh sửa.
|
|
Tình trạng dùng các ứng dụng AI tạo hình ảnh khiêu dâm giả mạo đang lan rộng trong thanh thiếu niên trên toàn thế giới - ẢNH MINH HỌA: AHMET YARALI (Getty Images) |
Tại Mỹ, các trường học và gia đình cũng đang đau đầu trước những ứng dụng trực tuyến cho phép mọi người biến một bức ảnh một người mặc quần áo bình thường thành ảnh khỏa thân. Vào tháng Hai, một nhóm học sinh THCS ở TP Beverly Hills, bang California đã chia sẻ ảnh khỏa thân deepfake của 16 bạn cùng lớp. Cùng khoảng thời gian đó, tại bang New Jersey, các nam sinh tại một trường trung học tạo “ảnh nóng” giả mạo của hơn 30 nữ sinh. Hàng loạt ứng dụng “khỏa thân” hoặc “cởi đồ” đang góp phần khiến các thanh thiếu niên dễ dàng trở thành tội phạm. Các nạn nhân của tệ nạn này đã phải chịu tổn hại lớn về tâm lý.
Tại một trường tư thục ở bang Victoria, Úc, một thiếu niên bị bắt vào tháng Sáu sau khi lan truyền những hình ảnh khiêu dâm giả trên mạng, gây ảnh hưởng cho khoảng 50 nữ sinh. Cô Emily - phụ huynh của một học sinh tại trường và là một nhà trị liệu chấn thương tâm lý - cho biết, cô nhìn thấy những bức ảnh khiêu dâm được tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI) khi đến đón cô con gái 16 tuổi của mình từ nhà bạn. Emily cho biết: “Con bé rất buồn và bắt đầu nôn mửa trên xe. Những bức ảnh đã bị cắt xén và chỉnh sửa rất chi tiết, đến nỗi bản thân tôi cũng cảm thấy buồn nôn khi nhìn thấy chúng. 50 cô gái bị hại là con số quá nhiều. Điều này thực sự rất đáng lo ngại”.
Giáo dục trẻ từ sớm để ngăn chặn tội phạm
Trước thời đại AI phát triển nhanh chóng, kẻ xấu có thể dùng Photoshop để dán khuôn mặt trẻ em lên cơ thể của diễn viên khiêu dâm người lớn nhưng hành vi này cần thời gian và một số khả năng kỹ thuật nhất định. Giờ thì các ứng dụng AI có thể thực hiện tất cả, nhanh chóng và miễn phí, giúp người dùng dễ dàng tạo hình ảnh giả của nhiều nạn nhân mà không cần am hiểu công nghệ. Trong khi đó, hệ thống trường học, quản trị viên các trang web và thậm chí cả cảnh sát thường không chuẩn bị đầy đủ cho tình huống thanh thiếu niên sử dụng công nghệ deepfake.
Khi thanh thiếu niên tạo hoặc chia sẻ ảnh khỏa thân giả mạo, trường học và cơ quan thực thi pháp luật phải hành động phù hợp để bảo vệ cuộc sống của thanh thiếu niên khỏi bị gián đoạn. Các tiểu bang của Mỹ gồm Florida, Louisiana, Nam Dakota và Washington đã cấm những hình ảnh chỉnh sửa deepfake. Đối với cha mẹ và nhà giáo dục, cách tốt nhất để ngăn chặn “ảnh nóng” giả mạo của thanh thiếu niên là phòng ngừa, không phải khắc phục hậu quả. Cha mẹ có thể giúp ngăn con mình trở thành tội phạm bằng cách nói chuyện với chúng sớm về quyền tự chủ cơ thể, khuyến khích sự tôn trọng, đồng cảm với bạn bè. Giáo sư tâm lý tội phạm Lee Soo-jung từ Đại học Kyunggi (Hàn Quốc) nhận xét: “Các bài học về công nghệ máy tính phải bao gồm cả khía cạnh pháp lý và đạo đức”. Ông nhấn mạnh quá trình giáo dục phải bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ, ở lứa tuổi mà hành vi phạm tội dễ bị xem như trò đùa.
Francesca Mani - một học sinh 15 tuổi tại trường trung học Westfield, bang New Jersey (Mỹ) - đã cùng mẹ thúc đẩy những thay đổi về luật pháp từ cuối năm 2023, sau khi cô bị các bạn nam cùng lớp tạo ảnh khỏa thân giả bằng AI. Francesca cho biết: “Tôi đã vô cùng tức giận và cảm thấy mình cần hành động”. Khi Francesca kể lại sự việc, Dorota - mẹ cô - cũng cảm thấy sốc và quyết định ủng hộ con mình đấu tranh. Từ đó, Dorota và Francesca thường xuyên đến thủ đô Washington để vận động hành lang cho một dự luật lưỡng đảng, coi việc chia sẻ các hình ảnh deepfake có nội dung khiêu dâm là một tội ác, cho phép nạn nhân kiện những người tạo ra và phát tán chúng.
Theo Riana Pfefferkorn - một học giả tại đài quan sát Internet Stanford (Mỹ) - sự tin tưởng và cởi mở của người lớn là rất cần thiết đối với trẻ em khi chúng trở thành nạn nhân của hình ảnh khiêu dâm deepfake. Bà Riana giải thích: “Nếu con bạn biết những đứa trẻ khác đang trở thành mục tiêu, chúng cần có sự tự tin và lòng dũng cảm để nói chuyện thẳng thắn với bạn hoặc báo cho nhà trường. Nếu con bạn là nạn nhân, chúng cần biết rằng cha mẹ là chỗ dựa vững chắc và hiểu rằng đó không phải là lỗi của chúng”.
Tại Hàn Quốc, người trưởng thành có hành vi chỉnh sửa nội dung video, âm thanh hoặc hình ảnh sai sự thật của người khác nhằm phát tán có thể bị phạt tới 5 năm tù, phạt tiền lên tới 50 triệu won (37.000 USD).
Theo phụ nữ TPHCM