Ảnh minh họa


Hạnh phúc ngắn ngủi 

Hơn 40 tuổi, chị là mẹ đơn thân của cô con gái 5 tuổi xinh xắn. Những người dân ở xóm nhỏ phố nhỏ, huyện Quốc Oai (Hà Nội) rất ấn tượng với tiếng cười đùa phát ra từ căn nhà nhỏ chỉ có 2 mẹ con chị. Gương mặt chị cũng tươi tắn, hồng hào, đằm thắm hơn, dường như mọi sóng gió đã qua của cuộc đời người phụ nữ khốn khổ ấy đã ẩn giấu tận đâu đó xa lắm.


Chị Nguyễn Thị Tư, là cô giáo dạy cấp 2 ở huyện Quốc Oai vừa ôm con gái 5 tuổi vào lòng, vừa chiêm nghiệm: “Nghĩ về cuộc đời tôi như chuyện khôi hài, nghiệt ngã của số phận. Khi có chồng, tôi cố mãi vẫn không thể sinh con được, nhưng khi không có chồng, thì lại sinh được dễ dàng cô công chúa này”.

Hơn 10 năm trước, chị Tư học xong Cao đẳng sư phạm là lấy chồng. Được 4 tháng thì chị có bầu, hạnh phúc nhân đôi. Những tháng ngày hạnh phúc nhất cuộc đời chị sao ngắn ngủi quá. Chị có bầu được 3 tháng thì bị hỏng thai. Rồi 2 tháng sau, chị lại có bầu tiếp và 2 tháng sau nữa, chị lại bị hỏng thai. 

“Từ đây, công cuộc đi chữa đẻ bắt đầu. Vợ chồng tôi có đồng nào là dồn hết ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. 3 năm, tôi hỏng thai những 8 lần. Niềm hy vọng và niềm tin của cả 2 vợ chồng đều mất hết. Từ đó, tôi bị nhà chồng hắt hủi, nói bóng gió là trong nhà có “cây độc không hoa”, tôi không sinh được con thì để cho chồng lấy vợ khác”, chị Tư chợt thở dài, não nuột nhớ lại.

Khi nhà chồng không ưa chị nữa thì họ tìm mọi cách để gây sức ép cho chị. “Có lần, tôi đi dạy học ở trường về, không có tiền mua thức ăn, tôi nấu cơm canh và tráng mấy quả trứng, mẹ chồng sang ngó mâm cơm 2 vợ chồng tôi ăn và nói ầm ĩ là không có gì ăn, thế này thì chồng mày nuốt sao được....?”, chị Tư kể. Chị bảo, nói chung là mẹ chồng muốn gây sức ép để chị nản, bỏ chồng mà về nhà ngoại. Nhưng chị biết, nếu chồng chưa bỏ mình, thì khổ đến mấy, chị cũng sẽ cố chịu.

Chị cho biết, có những đêm đợi chồng về, gọi điện thoại cho chồng thì có người phụ nữ khác nghe máy. Chị hỏi ai vậy? Họ trả lời là bạn gái của chồng chị. Rồi họ hỏi chị là ai? Chị trả lời, tôi là vợ. Cứ thế, chị cũng cứ cố gắng sống tiếp. Biết chồng đi ra ngoài với người khác, chị chỉ âm thầm khóc hằng đêm. Rồi chị làm đơn ra tòa án, giải thoát cho anh như mong muốn của gia đình chồng.

Đúng 15 ngày sau tòa án gọi vợ chồng mình ra giải quyết. Không tài sản, không con cái, nên phiên xử ly hôn vỏn vẹn chỉ kéo dài trong 15 phút là kết thúc trong sự nặng nề, ám ảnh.

Bất ngờ “cây độc” vẫn "đơm hoa" 

Sau ly hôn, chị về bố mẹ đẻ ở. Gia đình chị cũng rất nặng nề với cái tội gán cho đàn bà “cây độc không hoa”, loại đàn bà không biết đẻ là vô phước... Chị còn ít tiền dành dụm được, đành xây 1 cái nhà cấp 4 nhỏ để ở cho yên. Bố mẹ đẻ sợ chị về làm bà cô ăn bám, nên cũng thờ ơ với đứa con gái không thể sinh con như chị, vì bố mẹ chị nghe anh trai và chị dâu là lỗi tại chị sống không có phúc, nên phải chịu quả báo, cả nhà ngoại không muốn liên luỵ.

Chị cứ thế sống một mình lặng lẽ trong đau khổ 2 năm trời, một hôm chị đến bệnh viện thăm người ốm và cũng muốn xin con nuôi. Tình cờ gặp lại bác sĩ cũ đã điều trị hiếm muộn cho chị ngày trước. Bác sỹ nghe qua hoàn cảnh của chị đã động viên chị mua tinh trùng cấy thử. “Tôi cũng không tin, vì cũng ức chế và muốn xóa cái câu “cây độc không hoa” ám ảnh mình suốt thời gian dài ở nhà chồng cũ, tôi đành liều. Một tuần sau, tôi ra bơm, không thể ngờ, tôi có bầu dễ dàng vậy” - nụ cười tươi rói lại xuất hiện trở lại trên môi chị.

Lại nói về chồng cũ của chị. Khi vợ chồng bỏ nhau xong, anh theo một người phụ nữ có chồng bị bệnh nặng nhiều năm. Chị này có 2 con trai, không ở nhà chăm chồng ốm, mà theo chồng chị ăn ở với nhau, chị ấy có bầu rồi sinh con với chồng cũ của chị.

Khi anh có con với người phụ nữ kia rồi mà vẫn không cưới. Ngày nọ, anh đến nhà chị gõ cửa: “Anh xin lỗi em ngàn lần. Anh vẫn thầm theo dõi cuộc sống của em. Giờ hãy cho anh cơ hội quay lại với em”. Chị chưa kịp nói gì, anh lại tiếp: “Anh có con rồi, vợ chồng mình nuôi con nhé, anh sẽ đưa con về đây, vợ chồng mình nuôi cả 2 con và làm lại từ đầu được không em?”. Chị chẳng cần nghĩ, lắc đầu: “Em không quay lại được, vì con anh còn muốn có mẹ đẻ. Anh không thể làm thế với chị ấy. Công chị ấy mang thai 9 tháng, giờ anh không thể bắt con phải rời xa mẹ đẻ của nó được”. Anh xịu mặt một lúc rồi bỏ đi.

Không ít người trách chị dại thế, sao không quay lại với chồng cũ. Chị cười nhẹ: “Tôi chẳng nghĩ gì. Từng là hiếm muộn, tôi hiểu sâu sắc tình mẫu tử gắn kết hơn ai hết. Tôi chỉ nghĩ, đứa trẻ nào cũng cần có mẹ nó hơn bất cứ ai khác”.

 Thiên Cầm (ghi)