Theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014, các trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam bao gồm:

Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;

Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;

Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

Theo đó, người Việt Nam có nhu cầu đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam phải đến UBND cấp huyện nơi mình cư trú để làm thủ tục đăng ký.

Trong đó, nơi cư trú ở đây là nơi người đó thường xuyên sinh sống, bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú (căn cứ quy định tại Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 11 Luật Cư trú 2020).

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 37 Luật Hộ tịch quy định thêm, trường hợp hai người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì UBND cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên cũng có thể thực hiện đăng ký kết hôn.

Tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện sẽ tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết.

Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ký 2 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

Theo Điều 32 Nghị định 123, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Theo laodong